Sáng 6/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thị sát và làm việc tại tỉnh Tiền Giang - một địa phương thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long có những bước chuyển dài sau 20 năm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nhất là mô hình các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp kiểu mới.
Đây là chuyến công tác tiếp nối chuyến làm việc chuyên đề một tuần trước đó tại tỉnh Đồng Tháp về kết quả thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể.
Chủ tịch nước đã thăm mô hình sản xuất kinh doanh của HTX thanh long Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, một mô hình hoạt động hiệu quả nhờ liên kết nông dân chặt chẽ, đặc biệt là luôn thu mua thanh long cho xã viên với giá cao hơn thị trường, bảo đảm lãi ít nhất 3.000 đồng/kg ngay cả khi thị trường rớt giá.
Sau khi nghe Giám đốc HTX thanh long Mỹ Tịnh An Võ Chí Thiện báo cáo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ trương quan trọng của Đảng ta là kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Do đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13 năm 2002 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thì cần những cơ chế tốt hơn để phát triển kinh tế hợp tác trong thời gian tới để sát với yêu cầu thực tiễn hơn.
Chủ tịch nước đánh giá cao HTX Mỹ Tịnh An có mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, tổ chức liên kết sản xuất tốt, phát triển vùng trồng sản phẩm chủ lực địa phương như thanh long, dừa. Sản phẩm sản xuất với công nghệ tiến bộ, bảo đảm tiêu chuẩn cao, hướng đến xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính theo hướng chính ngạch. Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao ban quản trị HTX Mỹ Tịnh An có nhiều thành viên có trình độ và tâm huyết với quê hương.
Chủ tịch nước bày tỏ rất ấn tượng và hạnh phúc khi người dân và các thành viên HTX đều có thu nhập tốt nhất, cùng có lợi. Trình độ của người quản trị điều hành HTX chính là nhân tố quyết định đến sự phát triển.
Chủ tịch nước đề nghị HTX Mỹ Tịnh An tiếp tục đẩy mạnh liên kết, mở rộng quy mô sản xuất sang nhiều sản phẩm chủ lực khác của địa phương, ngoài thanh long; có biện pháp tiêu thụ sản phẩm cả xuất khẩu và trong nước.
Chủ tịch nước phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tiền Giang. |
Tiếp đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tiền Giang, tập trung vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, HTX tại địa phương.
Đánh giá về kết quả phát triển kinh tế tập thể, kinh tế HTX trên địa bàn Tiền Giang, Chủ tịch nước cho rằng tỉnh đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết 13-NQ/TW, quyết liệt trong xử lý, tái cơ cấu các cơ sở yếu kém. Đến nay, phát triển kinh tế tập thể ở Tiền Giang tương đối đa dạng, có nhiều mô hình hiệu quả, được nhân rộng và trở thành một xu thế phát triển tốt, đóng góp ngày càng tích cực vào lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Về những bất cập trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung, kinh tế tập thể nói riêng ở Tiền Giang, Chủ tịch nước chỉ rõ tốc độ phát triển còn dưới mức tiềm năng, quy mô kinh tế còn nhỏ, sản xuất còn manh mún. Kinh tế tư nhân, kinh tế HTX dù đã được quan tâm, phát triển nhưng vẫn còn thiếu những thương hiệu lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị; kết nối kinh tế-thương mại còn nhiều bất cập.
Về hướng phát triển của Tiền Giang trong thời gian tới, Chủ tịch nước nhấn mạnh đến yêu cầu về khai thác tài nguyên “nhất cận thị, nhị cận giang” ở địa phương một cách hiệu quả hơn; trong đó, chú trọng phát triển mạnh mẽ nông nghiệp thông minh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
Cùng với đó là phát triển kinh tế du lịch, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; đặc biệt cần chú trọng đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Chú trọng hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất; đào tạo nguồn nhân lực; liên kết hợp tác trong phát triển vùng, khu vực.
Khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương của Đảng đối với kinh tế tập thể, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo, chính quyền và người dân tỉnh Tiền Giang cần bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đảm bảo các nguyên tắc dân chủ và đồng thuận, tự nguyện, tự quyết, cùng chịu trách nhiệm trong liên kết, hợp tác.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Tiền Giang tổ chức tốt việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể; có những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện Nghị quyết phù hợp, sao cho phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình kinh tế quan trọng này; đồng thời tăng cường áp dụng kinh nghiệm các mô hình tiên tiến ở trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Chủ tịch nước mong muốn Tiền Giang phát huy hơn nữa vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, huy động sức mạnh tổng hợp trong vận động các hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.
Trong năm 2021 và quý I năm 2022, Tiền Giang đã thành lập mới 23 HTX (trong đó có 19 HTX nông nghiệp và 4 HTX vận tải), giải thể 1 HTX. Như vậy đến nay, tỉnh có 247 HTX các loại; thu hút 87.301 thành viên tham gia; tạo việc làm cho 30.634 lao động; tổng doanh thu trên 2.651 tỷ đồng, lợi nhuận trên 73 tỷ đồng, thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.