Trong tháng 12/2011, tỉnh Tiền Giang có tổ chức “Tuần lễ Công nghệ và Môi trường” tại TP.Mỹ Tho. Nhân sự kiện đó, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thế Ngọc - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang về công tác bảo vệ môi trường của tỉnh này.
Tiền Giang đã có nhiều động thái tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tiền Giang trong năm 2011?
- Thời gian qua, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong bối cảnh chung đó, hoạt động của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách. Nhằm tăng cường thu hút đầu tư, đảm bảo kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định và bền vững, Tiền Giang đã có nhiều động thái tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để mở rộng sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2011, nhìn chung phần lớn các chỉ tiêu chủ yếu mà nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra đều đã cố gắng hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tuy nhiên, trong điều kiện cắt giảm mạnh chi tiêu công theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh có xu hướng tăng chậm.
Cụ thể như GDP toàn tỉnh dự kiến tăng khoảng 10,5%, tức là vừa mới đạt đến mức thấp của mục tiêu đề ra (10,5-11%); trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,7% (kế hoạch 5,5-5,7%), khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,6% (kế hoạch 15,7-16,5%) và dịch vụ tăng 12% (kế hoạch 11,4-12%). Riêng lĩnh vực xây dựng chỉ tăng 1,4% so năm 2010.
Luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trước những thách thức về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, xin ông cho biết những thành tựu đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường, trong việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
- Ý thức được tầm quan trọng của môi trường sinh thái, trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Tiền Giang luôn chú trọng phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường. Tỉnh đã chủ động thực hiện lập Báo cáo môi trường chiến lược trong việc lập Quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tham khảo ý kiến các chuyên gia để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững; đến nay, trên địa bàn tỉnh 100% các khu công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng khu xử lý nước thải tập trung; đồng thời, tích cực hoàn tất các thủ tục để triển khai dự án cải tạo môi trường đô thị ở thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công từ nguồn vốn ODA .
Tỉnh đã có những đề án nghiên cứu dòng chảy, rừng ngập mặn, các đề án xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt, độc hại; các chương trình phòng, chống bão lũ, thiên tai. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường; nâng cao trình độ cán bộ, lực lượng bảo vệ môi trường; tăng cường kế hoạch giám sát môi trường.
Bảo vệ môi trường là sự nghiệp toàn dân, cụ thể từng khu vực cần có sự phối hợp các tỉnh lân cận, cả các tỉnh châu thổ sông Mêkông.
Giải quyết đầu tiên là phải cơ cấu lại, phát triển ngành sản xuất - kinh doanh các sản phẩm có lợi thế so sánh của vùng, công nghệ cao và thân thiện môi trường
Bảo vệ môi trường phải là vấn đề được quan tâm hàng đầu
Bảo vệ môi trường thường mâu thuẫn với phát triển đơn thuần về kinh tế, nếu vậy Tiền Giang chọn lựa như thế nào giữa lợi ích về kinh tế và phát triển bền vững?
- Việc quá coi trọng tăng trưởng kinh tế thời gian qua đã làm cho môi trường sống của các loài sinh vật, trong đó có con người, ngày càng xấu đi, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường ở mức báo động. Do vậy, bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, mà theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - bổ sung, phát triển năm 2011 thì công tác này “là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân.
Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát, ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển năng lượng sạch, tiêu dùng sạch. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo và ứng phó với biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên. Tăng cường quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, có hiệu quả tài nguyên quốc gia”.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Đứng trước những thách thức về môi trường, về phát triển bền vững, tôi cho rằng bảo vệ môi trường là vấn đề phải được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên quan tâm hàng đầu trong quá trình phát triển. Cần giải quyết triệt để mâu thuẫn giữa môi trường và phát triển trên cơ sở hướng tới sự phát triển không tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên; đảm bảo cho môi trường thực hiện đầy đủ chức năng: Đem lại không gian sống có chất lượng tốt cho con người, cung cấp cho con người các loại tài nguyên cần thiết, tái xử lý các phế thải của hoạt động của con người. Điều đó, gắn liền với việc giữ cân bằng giữa hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội.
Ở Tiền Giang, việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường đều rất nghiêm túc; sự thống nhất ý chí thì đã rõ, nhưng hành động thực tiễn về bảo vệ môi trường ở mỗi nơi, mỗi người còn có sự khác nhau do việc chọn lựa lợi ích về kinh tế và phát triển bền vững chưa đồng nhất. Do đó, phải nâng cao hơn nữa tính thống nhất về nhận thức, trách nhiệm và hành động của các nhà quản lý, các doanh nghiệp, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường.
Những năm qua, trong điều kiện khó khăn về tài chính, để cải thiện chất lượng môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, phòng chống ô nhiễm, Tiền Giang chủ trương huy động nội lực, đa dạng hóa các nguồn tài trợ và sự hỗ trợ của quốc tế để thực hiện việc đổi mới công nghệ, di dời các doanh nghiệp trọng điểm gây ô nhiễm ra khỏi nội thành, đầu tư các khu, cụm công nghiệp tập trung. Đã chủ động thành lập cơ quan quản lý môi trường, tiến hành các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường,... góp phần cải thiện chất lượng môi trường tại địa phương nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; duy trì nhịp độ phát triển kinh tế phù hợp để hoà nhập tích cực vào con đường phát triển bền vững của đất nước.
“Tuần lễ Công nghệ và Môi trường” có tầm ảnh hưởng sâu rộng
Trong tháng 12/2011, tỉnh Tiền Giang có tổ chức“Tuần lễ Công nghệ và Môi trường” tại TP.Mỹ Tho, xin ông cho biết đôi nét về mục đích và ý nghĩa của chương trình này ?
- “Tuần lễ Công nghệ và Môi trường Việt Nam lần I - Tiền Giang 2011” được tổ chức với mục đích giúp các doanh nghiệp nhận thức, thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường để từ đó hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn sắp tới.
Sự kiện này có tầm ảnh hưởng sâu rộng, là cầu nối giữa các nhà sản xuất, doanh nghiệp với người tiêu dùng, cũng là cơ hội giới thiệu sản phẩm. Qua chương trình thực hiện tuần lễ này, các doanh nghiệp tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh doanh; trao đổi, chuyển giao công nghệ; nâng cao tính ứng dụng của các sản phẩm thân thiện với môi trường vào cuộc sống và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng... góp phần bảo vệ môi trường một cách hữu hiệu hơn.
Đây cũng là dịp tôn vinh các doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến để tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, thân thiện môi trường trong hoạt động nuôi - trồng, sản xuất - kinh doanh nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Mỗi nhân tố môi trường đều có sức chịu tải nhất định “Trong quá trình phát triển, chúng ta phải lưu ý mỗi nhân tố tài nguyên, thiên nhiên và môi trường đều có một sức chịu tải nhất định. Công nghiệp hóa, hiện đại hoá, đô thị hoá đang là mục tiêu hàng đầu nhằm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng với dân số gia tăng mạnh mẽ, đòi hỏi của tiêu dùng, mở rộng hoạt động sản xuất, lưu thông, giao lưu, hội nhập quốc tế... là xu thế tất yếu của phát triển, ngày càng gia tăng sức ép lên môi trường và tài nguyên. Do đó, phát triển bền vững ngày càng được khẳng định là yêu cầu cao nhất trong toàn bộ quá trình phát triển và hội nhập”. Ông Trần Thế Ngọc (Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang) |
Hà Quang Ngọc