Phần mềm mà chị Nhàn chuẩn bị tặng miễn phí cho đối tượng "yếu thế xã hội" này đang được triệu triệu người chờ đợi. Chị mong muốn đây là một món quà ý nghĩa và sâu sắc của mình sau thời gian dài nghiên cứu và chắt lọc nhiều ứng dụng hay trên thế giới. Gọi là món quà, nhưng đây có thể nói là một phần mềm tiện ích rất lớn, mà AIC đã bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để nghiên cứu, khảo sát, thiết lập cho tương thích với người khiến thị.
"Tôi cũng là con người bình thường, thậm chí có nhiều điều kiện lợi thế hơn người khác, vậy mà việc học tập, nghiên cứu luôn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có lúc nản lòng, bất lực. Tôi thực sự thán phục khi chứng kiến nhiều người khiếm thị, tàn tật vượt khó để học chữ. Thời gian dài vừa qua khi làm việc với họ tôi thực sự cảm nhận được sự khó khăn và khát khao nhìn ánh sáng đến nhường nào" - Nữ Viện sỹ trải lòng.
Trên thực tế, người tàn tật nói chung, người khiếm thị nói riêng chịu nhiều thiệt thòi, nhưng họ luôn có sự nỗ lực, sáng tạo và nội lực mạnh mẽ để vươn lên. Chỉ có điều còn chưa nhiều những tấm lòng, những bàn tay chắp cánh để họ hoà nhập. Xuất phát từ những trăn trở suy tư đó, nữ Viện sỹ Thanh Nhàn không những đã chỉ đạo hàng trăm cán bộ đi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng để viết phần mềm mà chị cũng đã đi nhiều chuyến nước ngoài, làm việc với các đối tác để hợp tác, tận dụng những tiến bộ khoa học đã có trên thế giới.
"Phần mềm chúng tôi chuẩn bị tặng miễn phí cho người khuyết tật không có gì là to tát và quá cao siêu, mà chúng tôi đã tích hợp tất cả những cái ưu việt, những tiện ích mà người khiếm thị, khiếm thanh, khiếm thính đang cần, để họ tiếp cận đời sống một cách thuận lợi nhất. Không để rời rạc, cóp nhặt khó sử dụng cho đối tượng này như thực tế thời gian qua tại nước ta"- chị Nhàn nhấn mạnh.
Vậy phần mềm này là gì? Nếu diễn giải chi tiết từng tiện ích thì quả là rất dài dòng. Nhưng có thể mô tả bao quát nhất là, người khiếm thị, khiếm thanh và khiếm thính sử dụng điện thoại thông minh có thể đọc sách, đọc truyện, nghe tin tức, học tập, đọc văn bản pháp luật, nhận biết tiền để thanh toán tiền, định vị đi lại, tìm đường, tim cơ sở dịch vụ cần thiết ở gần nhất, nhận biết màu sắc, ghi chú công việc quan trọng trong ngày, nhắn gọi gấp người thân, dự báo thời tiết và báo những sự kiện, tin tức sẽ diễn ra...
Đặc biệt, phần mềm này rất dễ sử dụng, người dùng có thể điều lệnh đến bất kỳ một ứng dụng nào đang có trên điện thoại. Thao tác, là người dùng cầm một cục BLE nhỏ gọn, thiết bị này được kết nối với điện thoại, sau mỗi lần bấm vào thiết bị, người dùng ra lệnh bằng giọng nói, sau đó chú lợn thần kỳ Pigo thông minh sẽ cho kết quả tìm đến ứng dụng đang cần sử dụng. Chẳng hạn cần đi lại, bấm vào thiết bị rồi điều lệnh bằng giọng nói, Pigo sẽ kết nối đến ứng dụng Taxi và các hãng xe, rồi chỉ cần nói đi hãng nào, điện thoại sẽ được kết nối ngay tức khắc đến tổng đài để đặt xe.
Tương tự như vậy, người dùng có thể gọi lệnh và giơ điện thoại lên soi vào văn bản pháp luật và văn bản này sẽ được chuyển tải thành giọng đọc cho người khiếm thị nghe sau ít giây. Hoặc là khi giao dịch mua bán, các tờ tiền cũng được soi và báo ngay mệnh giá trong tích tắc... Một tiện ích khác rất nhiều người khiếm thị sẽ được dùng như chức năng gọi điện khẩn cấp hoặc nhắn tin cho người thân. Chỉ cần bấm lệnh điều bằng giọng đọc, sẽ được đưa đến phần mềm nhắn tin, rồi nói tìm danh bạ tên "vợ" hoặc "chồng" sẽ được kết nối và tiếp tục nhắn tin bằng giọng nói: "em ăn cơm chưa", Pigo thông minh sẽ dịch ra và chuyển đến cho đầu kia. Còn đối với người khiếm thanh, khiếm thính thì có thể đánh nội dung cần nói vào máy điện thoại, rồi ứng dụng sẽ tự động chuyển qua giọng nói để phát to ra cho đối tượng đang giao tiếp cùng nghe.
Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam cũng là người trực tiếp giúp cùng các chuyên gia công nghệ tập đoàn AIC tìm hiểu nhu cầu sử dụng của hội viên. Chị Việt Anh cho biết: Hiện nay nước ta có cả triệu người khiếm thị, nhu cầu tìm hiểu thông tin, phục vụ nhiều tiện ích trong đời sống rất lớn, nhất là nhu cầu tìm hiểu tin tức, văn bản pháp luật và học tập. Thời gian qua, cũng có nhiều ứng dụng cho người khiếm thị, nhưng tất cả đều rời rạc, nhỏ lẻ, khó sử dụng và mất thời gian. Phần mềm của AIC có thể nói là hoá giải được những điều trên để đưa đến một bách khoa toàn thư tổng hợp tiện ích rất dễ dùng. Tuy nhiên, AIC thông báo là vẫn tiếp tục hoàn thiện thêm nhiều chức năng, chúng tôi cũng luôn biết trân trọng cảm ơn và chờ đợi điều này. Ý nghĩa hơn vào tháng 4 này, AIC còn tặng 1000 điện thoại cài đặt sẵn phầm mềm sẽ là sự kiện nức lòng cho tất cả chúng tôi.
Thời gian qua, cũng có không ít nhà hảo tâm đã và đang nghiên cứu nhiều chương trình dành cho người khuyết tật, trong đó có thành công và thất bại, tất cả những tấm lòng đó đáng được trân trọng và cần tiếp tục phát huy.
Ông Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam chia sẻ: "AIC đã đưa đến cho người mù một quà tặng rất ý nghĩa đúng dịp Hội kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Chúng tôi đã thẩm định phần mềm có tác dụng rất hữu ích và tới đây sẽ triển khai sâu rộng trong các cấp hội sử dụng. Tuy nhiên, mong muốn sẽ tiếp tục được hoàn thiện một cách hoàn hảo hơn".
Tiến sỹ, Viện sỹ Nguyễn Thị Thanh Nhàn cho biết: "Hiện nay AIC mới làm những vấn đề cơ bản và nền tảng nhất cho người khuyết tật sử dụng. Còn trong quá trình thực hiện sẽ phát sinh thêm rất nhiều các nhu cầu và chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp hoàn thiện nhiều chương trình khác. Đặc biệt, AIC sẽ đề nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan chức năng cho chuyển tải nội dung sách giáo khoa và nhiều lĩnh vực khác nữa để người mù thuận tiện học tập, tiến tới có thể giải được Toán, Lý.... trên điện thoại. Nỗ lực của chúng tôi cũng góp phần nhỏ bé cùng xã hội chia sẻ khó khăn, để mọi người dân cùng được sử dụng, cùng cảm nhận về những tiện ích trên chính đất nước của mình. Tôi luôn trăn trở rằng, quan trọng mình có đủ đam mê, tâm huyết hay không, còn mọi việc sẽ tốt đẹp, đất nước sẽ ngày một phát triển khi chúng ta có niềm mơ ước và sự khát khao cháy bỏng./.