Tiền tham nhũng thu hồi “không đáng kể”

Sau 5 năm nỗ lực tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), triển khai Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và kết thúc giai đoạn thứ nhất thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động; và trên thực tế đã có một số lĩnh vực, hành vi tham nhũng từng bước được kiềm chế...

Sau 5 năm nỗ lực tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN), triển khai Nghị quyết T.Ư 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí và kết thúc giai đoạn thứ nhất thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động; và trên thực tế đã có một số lĩnh vực, hành vi tham nhũng từng bước được kiềm chế. Đây là đánh giá của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Sản tại Hội nghị truyền thông về Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN diễn ra hôm qua – 6/9 tại Hà Nội.

Hình minh họa. Nguồn Internet

Khởi tố hơn 1400 vụ án tham nhũng

Trong 5 năm qua, cùng với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật về PCTN, các Bộ ngành và địa phương trong cả nước đã tổ chức 425 nghìn lớp tuyên truyền, quán triệt pháp luật về PCTN. Qua đó, đã có hơn 26 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về PCTN và trên 2 triệu cuốn sách, tài liệu về PCTN được phát hành.

Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, đã phát hiện và xử lý hơn 1.700 cơ quan, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động; đã ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ trên 19 nghìn văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong tất cả các lĩnh vực, chú trọng nhất một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng tài sản công; đã có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị gần 1,8 tỷ đồng.

Cũng trong thời gian này, cả nước có 678 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp. Qua gần 63 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước khoảng 20,7 nghìn tỷ đồng. Đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử, các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn, khởi tố 1.458 vụ và 3.387 bị cáo…

Ít phát hiện án tham nhũng lớn

Tuy nhiên, ông Sản cũng thẳng thắn thừa nhận công tác PCTN ở một số nơi, một số lĩnh vực vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, gây bức xúc, bất bình trong xã hội và là thách thức lớn đối với công tác quản lý của Nhà nước, quản lý kinh tế.

Chẳng hạn như, công khai, dân chủ trên một số mặt (cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, đầu tư dự án, xây dựng…) còn hạn chế, có tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch. Một số cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ vẫn nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhân dân, đặc biệt tại cấp cơ sở. Chỉ qua kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử tại 5 bộ, ngành và 31 tỉnh thành mà đã phát hiện và xử lý 2.510 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Ngoài ra, công tác phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng còn nhiều yếu kém. Hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và chủ yếu là đối tượng trực tiếp thực hiện, số vụ việc, vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo chiếm tỷ lệ cao, tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường không đáng kể…

Phân tích một số nguyên nhân của tình trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng mong muốn trong thời gian tới, Quốc hội, các cơ quan thuộc Quốc hội quan tâm, tập trung cho việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Về phía các cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra, cần tăng cường hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng, khẩn trưởng điều tra, khám phá, đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh những vụ án tham nhũng, nhất là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm… Có như vậy mới “đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí để thực sự ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn này” – ông Hùng nhấn mạnh.

H.Thư

Đọc thêm