Có thể thấy rằng những sự kiện nổi bật hoặc nổi cộm trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước đều được người dân theo dõi, quan tâm. Người dân ủng hộ những chuyển biến tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng và tổ chức bộ máy nhà nước nhưng cũng lo lắng trước sự lộng hành, lộng quyền, lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ.
Điểm gặp của ý chí nhân dân với các chủ trương lớn của lãnh đạo đất nước chính là việc tăng cường kiểm soát quyền lực, kiểm soát việc chấp hành chính sách, pháp luật ở tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Không ai tỏ ra bi quan trước một loạt những cán bộ từ nhỏ đến lớn bị xử lý liên tiếp trong thời gian qua, trái lại, điều đó tạo ra niềm tin trong nhân dân, hiện thực hóa chủ trương “chống tham nhũng không có vùng cấm, không loại trừ bất cứ ai”.
Tuy nhiên, lòng dân tỏ ra lo lắng trước tình trạng một số cán bộ tiếp tay cho tội phạm, thể hiện rõ nhất là các cán bộ, tướng lĩnh Công an ở C50 trong vụ án “đánh bạc” bằng công nghệ cao vừa bị triệt phá vừa qua. Bên cạnh đó, rất đáng chú ý đến tình trạng mà ý kiến cử tri phản ảnh về những khuất tất trong bồi thường đất đai, tái định cư..., đặc biệt là “lợi ích nhóm” trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất nước. Nhân dân yêu cầu phải làm rõ ràng, minh bạch việc quản lý và sử dụng đất đai ở các thành phố lớn, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” hoặc cán bộ sở hữu những khối tài sản lớn, đầy dấu hiệu bất minh.
Tiếng dân đã vang lên trên diễn đàn của cơ quan quyền lực cao nhất nước. Vấn đề nêu ra đều “đúng” và “trúng” cả. Quan trọng là Quốc hội tiếp thu và sử dụng quyền lực của mình như thế nào để thực hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đó chính là kỳ vọng của nhân dân và lý giải tại sao mỗi kỳ họp của Quốc hội lại được nhân dân quan tâm theo dõi đến thế. Trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội trước cử tri, quan tâm đến ý kiến của họ, giải quyết các vụ việc mà họ yêu cầu, dù lớn hay nhỏ, trong phạm vi chức trách của mình sẽ mang lại niềm tin cho cử tri và xứng đáng với lá phiếu dân bầu.