Tiếng khèn - âm sắc đặc trưng của người Mông

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với người Mông ở khu vực Tây Bắc nói chung và huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nói riêng, cây khèn không chỉ là nhạc cụ truyền thống độc đáo, mà còn là vật thiêng. Tiếng khèn cất lên trong những ngày hội xuân khiến cả núi rừng rạo rực. Ở đó có những người đàn ông dân tộc Mông suốt mấy chục năm qua vẫn miệt mài tìm cách lưu truyền lại tiếng Khèn cho thế hệ sau. Bởi với họ giữ tiếng khèn chính là giữ hồn văn hóa của dân tộc mình.
Đồng bào Mông ở huyện biên giới Nậm Pồ mang theo khèn xuống núi đi dự hội.
Đồng bào Mông ở huyện biên giới Nậm Pồ mang theo khèn xuống núi đi dự hội.

Theo giới nghiên cứu văn hóa Việt Nam, mỗi mùa hội đến trên bản Mông không khi nào thiếu tiếng khèn. Khi vào hội, tiếng khèn tấu lên những giai điệu da diết, bồng bềnh. Tiếng khèn nhịp theo bước chân, rung ngân theo điệu múa của các nàng sơn nữ.

Khèn cũng được sử dụng như một đạo cụ trong điệu múa mạnh mẽ của những chàng trai Mông gọi bạn. Tiếng khèn thể hiện âm sắc, nét riêng của một vùng văn hóa. Tiếng khèn còn kết nối giao duyên, âm điệu cuộc sống và tô điểm thêm bức tranh thiên nhiên tươi đẹp nơi rừng xanh ngút ngàn.

Với đồng bào Mông, tiếng khèn chính là linh hồn, là bản sắc của dân tộc. Theo quan niệm của người Mông, con gái phải biết may vá, dệt vải, thêu thùa. Còn con trai phải biết thổi khèn và múa khèn. Tiếng khèn dường như đã trở thành một phương thức để người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng.

Nghệ nhân Hờ A Pàng đang chế tác khèn Mông.

Nghệ nhân Hờ A Pàng đang chế tác khèn Mông.

Trong các nghi lễ, lễ hội, khèn mang ý nghĩa là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là nhạc cụ độc đáo thể hiện tâm hồn, tín ngưỡng truyền thống, bản sắc của dân tộc, gắn liền với các sinh hoạt văn hóa, đời sống hàng ngày của đồng bào Mông. Trong các dịp lễ hội, tiếng khèn vang vọng khắp núi rừng. Trong cưới hỏi, tiếng khèn như thay lời nhắn nhủ của bố mẹ, anh chị em gửi cho con gái khi về nhà chồng.

Tại ngày hội văn hóa dân tộc Mông huyện Nậm Pồ, phóng viên đã gặp nghệ nhân Hờ A Pàng (hơn 60 tuổi), ở xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ khi anh ta đang say sưa biểu diễn tiết mục múa khèn. Nghệ nhân Pàng tâm sự, đã gần chục năm nay, trong các ngày lễ, ngày tết, ông đều góp mặt với tiết mục múa khèn.

Mặc dù ở cái tuổi đã ngoài 60 nhưng tiếng khèn của ông mỗi khi cất lên nghe âm vang, trầm bổng, dìu dặt đến khó tả. Cùng với đó là điệu múa dứt khoát, khỏe khoắn đã khiến tiếng khèn dường như bay xa, bay cao hơn. Tiếng khèn của ông như thôi thúc những người con của dân tộc Mông tìm về nguồn cội, tìm về giá trị văn hóa của dân tộc.

Theo nghệ nhân Hờ A Pàng, để làm được một cây khèn mang đúng nghĩa, dệt lên những âm thanh của người Mông tự bao đời, đó là điều không hề dễ dàng. Đó là cả chuỗi những tinh hoa chắt lọc, kinh nghiệm gìn giữ “cha truyền, con nối”. Quá trình gian nan bắt đầu từ việc chọn gỗ, dây buộc thân khèn khéo léo, khắc sao cho thành từng âm điệu cho đúng nhịp vang xa.

Cây khèn là nhạc cụ cổ truyền độc đáo không thể thiếu trong sinh hoạt đời sống của đồng bào Mông. Loại nhạc cụ này thuộc bộ hơi thường được người Mông sử dụng trong những sự kiện quan trọng không thể thiếu sự hiện diện tiếng khèn réo rắt của bản làng, của tộc Mông: cưới xin, lễ hội, ma chay… Trai gái yêu nhau thông qua tiếng khèn mà ngỏ lời tình tứ.

Nghệ nhân Hờ A Pàng cho biết, khèn Mông được chế tác từ gỗ pơ mu và thân cây sặt, một loại trúc nhỏ mọc trên rừng. Ngoài ra để trang trí và để cố kết thân khèn cho thật khít, các nghệ nhân còn dùng vỏ cây đào rừng, loại vỏ cây vừa rất dẻo vừa có màu sắc bền đẹp. Với cách làm thủ công, các thợ khèn địa phương phải mất rất nhiều công phu để có được những cây khèn vừa hay, vừa đẹp lại có độ bền cao.

Tiếng khèn - âm sắc đặc trưng của người Mông ảnh 3Với người Mông ở khu vực Tây Bắc nói chung và huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên nói riêng, cây khèn không chỉ là nhạc cụ truyền thống độc đáo, mà còn là vật thiêng.

Gỗ pơ mu sau khi phơi khô sẽ được đẽo tạo thành hình bầu khèn. Sau khâu tạo hình, chiếc bầu khèn tiếp tục được bổ làm đôi theo dọc thớ gỗ rồi khoét ruột bầu. Khi khoét ruột xong, hai mảnh bầu khèn được ghép lại thật khít bằng các vòng dây nhỏ. Khi bầu khèn đã được bào nhẵn, tiếp tục dùng vỏ cây đào rừng đo và quấn từng vòng quanh ống khèn, sao cho các vòng quấn chặt khít.

Công đoạn tiếp sẽ là dùi lỗ cho bầu khèn và các ống khèn theo cách thức thủ công truyền thống bằng một thanh sắt tròn, có đầu nhọn được nung đỏ. Trên mỗi ống khèn đều có một lỗ âm và đều được gắn lam đồng. Cây khèn Mông có 6 ống như ống sáo, có độ dài ngắn khác nhau được cắm xuyên qua bầu, sau đó một chiếc khèn mông được hoàn thiện.

Đời này qua đời khác, đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở cực Bắc tổ quốc luôn gìn giữ tiếng khèn mông đặc trưng của dân tộc mình. Mỗi khi đến dịp lễ hội tiếng khèn ấy lại cất lên vang vọng giữa núi rừng, tiếp thêm niềm vui, tình đoàn kết, tình yêu quê hương đất nước.

Đọc thêm