Tiếp bước truyền thống Rồng Tiên

(PLVN) -  Phát biểu tại Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “Chúng ta xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại nơi đây không chỉ là tôn vinh Quốc Tổ, nhắc nhớ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc ta....
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP. Cần Thơ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức khánh thành Đền thờ Vua Hùng tại TP. Cần Thơ.

Đền thờ Vua Hùng mới đưa vào hoạt động tại TP Cần Thơ đã đáp ứng khát khao của người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về nơi thờ tự, tưởng nhớ và tri ân vị Quốc Tổ. Với ý nghĩa lịch sử, tâm linh sâu sắc và kiến trúc tinh xảo, độc đáo, đây cũng hứa hẹn là điểm đến lý tưởng của du khách khi đến với Đồng bằng sông Cửu Long.

Điểm tựa tâm linh

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng vẫn được bền bỉ trao truyền, vun đắp qua bao thế hệ, như một điểm tựa tâm linh vững chắc, gắn kết tinh thần dân tộc Việt. Tín ngưỡng này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tín ngưỡng biểu trưng của lòng thành kính, sự tri ân công đức các Vua Hùng là những người có công dựng nước.

Từ lâu, người dân TP Cần Thơ và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều mong mỏi có được một nơi thờ tự, tưởng nhớ, tri ân “Quốc tổ Hùng Vương”. Mong mỏi này đã thành sự thật khi TP Cần Thơ vừa khánh thành Đền thờ Vua Hùng có quy mô lớn nhất khu vực ĐBSCL. Công trình Đền thờ Vua Hùng tọa lạc bên đường Võ Văn Kiệt - Đặng Văn Dầy (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) với diện tích hơn 39.000m2, tổng mức đầu tư 129,5 tỉ do Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest tài trợ.

Điểm nhấn của công trình văn hóa này là đền thờ các Vua Hùng được xây dựng theo biểu tượng trống đồng cách điệu. Đền chính được bao bọc bởi hồ nước, khối tròn đặt trên nền đế hình vuông, tượng trưng cho quan niệm “trời tròn, đất vuông”. Đền thờ chính với hình tượng trống đồng cách điệu 18 cánh cung điêu khắc hoa văn đại diện cho 18 đời Hùng Vương. Bao quanh đền chính có có 54 cột trụ màu đồng cao 4,5m, đường kính 1m in hoa văn tinh xảo. 54 cột trụ tượng trưng cho 54 dân tộc anh em Việt Nam đoàn kết với nhau.

Công trình Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ được xây dựng theo biểu tượng trống đồng cách điệu.

Công trình Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ được xây dựng theo biểu tượng trống đồng cách điệu.

Gian chính với kiến trúc thiết kế uy nghi, trang trọng là nơi thờ Quốc tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Lạc Hầu, Lạc Tướng. Đặc biệt, nhân dịp khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ và Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, các nghệ nhân đến từ Thanh Hóa đã đúc 9 trống đồng mang tên Cửu Long. Trước các ngai thờ có các linh khí được lãnh đạo thành phố cung thỉnh từ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, gồm: chóe đựng 18kg đất, chóe đựng 18 lít nước, chân nhang, cùng các đồ lễ do UBND tỉnh Phú Thọ cung tiến như trống đồng, bộ bát bửu, chấp kích, chuông, trống.

Nghi môn cao 9m, được xây dựng bằng các cột bê tông ốp đá vững chắc đỡ các mái. Hình thức mái nghi môn mang dáng dấp nhà truyền thống của người Việt cổ. Nhà bia được xây dựng giữa sân đền, rộng hơn 300m2, cao 11m, mô phỏng kiến trúc ngôi đình truyền thống ở Nam Bộ, mái lợp ngói, đỡ bằng các cột gỗ. Bia được làm bằng đá granite cao 2,05m, ngang 1,1m, đặt chính giữa, ghi chép khái quát lịch sử thời đại Vua Hùng.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, khánh thành đền thờ Vua Hùng là sự kiện quan trọng, ngoài niềm tự hào to lớn thể hiện lòng tôn kính biết ơn tổ tiên còn đáp ứng sự mong mỏi, nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo người dân Cần Thơ và người dân ĐBSCL. “Trong thời khắc thiêng liêng giữa lòng TP, bằng tất cả tấm lòng thành kính, thay mặt Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân TP Cần Thơ xin tri ân các công đức các Vua Hùng. Con cháu Lạc Hồng nguyện đoàn kết tiếp bước truyền thống rồng tiên nỗ lực phấn đấu, ra sức rèn luyện, quyết tâm gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp giữ gìn, xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, giàu đẹp”, ông Trường chia sẻ.

54 cột trụ tượng trưng cho 54 dân tộc anh em Việt Nam.

54 cột trụ tượng trưng cho 54 dân tộc anh em Việt Nam.

Thăng hoa hào khí Lạc Hồng

Phát biểu tại Lễ khánh thành Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bao đời nay, từ trong tâm thức của mỗi người dân Việt đã coi các Vua Hùng là Quốc Tổ có công dựng nên Nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam và là tổ tiên chung của cả dân tộc, đó là một giá trị truyền thống riêng có của nước Việt ta. “Thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ, nhân dân TP Cần Thơ và đồng bào vùng ĐBSCL, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thống nhất chủ trương xây dựng Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Sau hơn 2 năm nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao, hôm nay, chúng ta vui mừng khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Đây là điểm hội tụ tâm linh, tại vùng đất phương Nam, vùng đất Chín Rồng anh dũng quật cường”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Gian thờ chính trong khu đền thờ.

Gian thờ chính trong khu đền thờ.

Chủ tịch nước đề nghị, thành phố làm tốt việc quản lý, giữ gìn và phát huy công trình này một cách hiệu quả, thiết thực. Công trình Đền thờ các Vua Hùng tại vùng đất phương Nam này sẽ là một điểm kết nối linh thiêng với Đền Hùng, đất Bắc, như mạch nguồn Nam - Bắc một nhà và trở thành điểm nhấn trung tâm tại khu vực, lan tỏa kết nối với mạng lưới các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, phục vụ du khách tham quan, chiêm bái, tưởng niệm. “Chúng ta xây dựng Đền thờ Vua Hùng tại nơi đây không chỉ là tôn vinh Quốc Tổ, nhắc nhớ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà còn khẳng định nền độc lập, tự cường, tự chủ toàn diện của dân tộc ta. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng đi cùng với yêu cầu đặt ra là hội nhập mà không hòa tan”.

Năm nay, chương trình Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong 4 ngày với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, ý nghĩa. Phần lễ được tổ chức trọng thể, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc, phần hội hướng đến việc đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, vừa mang đến những trải nghiệm thú vị cho người dân.

Ở TP Hồ Chí Minh, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2022 có chủ đề “Hội tụ tinh hoa văn hoá Việt Nam”, diễn ra từ ngày 8 - 11/4/2022 (tức 8/3 - 11/3 Âm lịch) tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng (Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc, TP Thủ Đức).

Lễ khai mạc Giỗ Tổ sẽ diễn ra vào 18 giờ ngày 8/4 từ 7 giờ ngày 10/4 (tức 10/3 Âm lịch). Riêng Chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật ba miền và Lễ bế mạc sẽ bắt đầu vào 18 giờ ngày 11/4.

Theo ông Từ Hồng Long, Trưởng phòng Văn hoá - Sự kiện và Lễ hội, Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 bao gồm 2 phần chính. Phần khai mạc sẽ diễn ra tại Quảng trường Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc. Sau đó, các đoàn sẽ diễu hành, tập trung tại khu vực chánh điện, nơi đặt đền thờ các Vua Hùng để thực hiện phần lễ giỗ.

Lễ hội gồm nhiều nội dung phong phú thể hiện nét bản sắc văn hoá dân tộc các vùng, miền trên cả nước. Đây cũng là dịp để mọi người chiêm nghiệm, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, ẩm thực các vùng, miền, của các hội đoàn, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp với uy tín chất lượng, sáng tạo.

Điểm đặc sắc năm nay, chương trình sẽ có các gian hàng trò chơi dân gian, khu vực ẩm thực 3 miền giới thiệu các món ăn đặc sản vùng miền sẽ phục vụ liên tục trong suốt thời gian diễn ra Lễ Giỗ Tổ. Đặc biệt, khu trưng bày cổ vật với chủ đề “54 dân tộc anh em đại đoàn kết” sẽ trưng bày các cổ vật có ý nghĩa lịch sử, gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta.

Ngọc Mai - Phạm Thịnh

Đọc thêm