Theo thông tin tại Hội nghị của Bộ Nội vụ với các địa phương, sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023 diễn ra ngày 7/7, hiện tượng cán bộ, công chức xin thôi việc, bỏ việc vẫn còn tiếp diễn.
Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ, 6 tháng đầu năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành 4 văn bản, đề án; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 10 nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính của một số địa phương và xem xét Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.
Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Nội vụ các địa phương đã chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh thực hiện sắp xếp đối với 115 tổ chức bộ máy hành chính bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và 226 đơn vị sự nghiệp công lập. Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) theo vị trí việc làm.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng xin nghỉ việc, thôi việc và tuyển dụng mới đối với CCVC thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo vị trí việc làm. 6 tháng đầu năm, các Sở Nội vụ đã tham mưu tuyển dụng 14.244 CCVC, kịp thời bổ sung số CCVC xin nghỉ việc, thôi việc.
Bộ Nội vụ cũng tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý CBCCVC, trong đó có nhiều nội dung đổi mới, như cơ chế về tuyển dụng, quản lý, sử dụng CBCCVC; đề xuất bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; phân cấp thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, triển khai quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức...
Bộ cũng hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về xử lý kỷ luật CBCCVC, kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đáng chú ý, theo báo cáo của 63 địa phương, trong 6 tháng đầu năm có 395 CBCCVC bị kỷ luật. Ngoài ra, đến hết tháng 6/2023, 96 bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu về CBCCVC. Trong đó, 55 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ dữ liệu đạt 100%.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục, điển hình là việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất cơ học để giảm số lượng đầu mối, dẫn đến các đơn vị sự nghiệp công lập chưa có sự thay đổi về cơ chế hoạt động, chất lượng cung ứng dịch vụ. Một số bộ, ngành, địa phương triển khai vị trí việc làm còn chậm...
Đáng chú ý, “hiện tượng CCVC xin thôi việc, bỏ việc vẫn còn tiếp diễn. Vấn đề này cần phải được rà soát, kiểm tra, đánh giá một cách trung thực, khách quan để tìm ra nguyên nhân đích thực và có giải pháp phù hợp”, báo cáo cho biết. Bên cạnh đó, người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ. Còn tình trạng CBCCVC có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao về những kết quả đã đạt được 6 tháng đầu năm 2023 của ngành Nội vụ. Định hướng nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách trong kế hoạch năm 2023 và chủ động triển khai các nghị định, thông tư, các luật đã ban hành trên các lĩnh vực của ngành. Kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trên thực tiễn, nhất là trên lĩnh vực: quản lý công chức, viên chức, tổ chức - biên chế, thi đua - khen thưởng…
Các địa phương tập trung thật kỹ lưỡng để cụ thể hóa Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Bởi Nghị định này “gói ghém” tất cả những yêu cầu về đội ngũ CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, giải quyết được “bài toán” vô cùng căn cơ và quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở. Đặc biệt là chuẩn bị một bước cho việc thực hiện liên thông đội ngũ CBCC cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đây là vấn đề nóng bỏng và cấp thiết. Tham mưu bảo đảm đến năm 2026 hoàn thành giảm 5% biên chế công chức, giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, cần quan tâm tham mưu giải quyết tích cực, hiệu quả một số vấn đề tồn tại, phát sinh. Cụ thể, về tình trạng CBCC né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, cần lưu ý công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kỷ cương, kỷ luật, hoàn thiện thể chế, chính sách xử lý vi phạm. Đối với tình trạng cán bộ bỏ việc, thôi việc, cần chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời, nâng cao chất lượng tuyển dụng CCVC theo chỉ tiêu biên chế và chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC.