Vừa qua, tại Hà Nam, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Tiểu ban lý luận về pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự và cải cách tư pháp, Bộ Công an và Công an tỉnh Hà Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Lý luận pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử - thực trạng pháp luật về cấp, quản lý căn cước, thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, CSDL căn cước, ứng dụng căn cước điện tử phục vụ chuyển đổi số ở nước ta”.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các tham luận về tình hình triển khai CSDL quốc gia về dân cư; thực tế việc thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước; kết quả công tác cấp, quản lý căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, những khó khăn, vướng mắc, bất cập và kiến nghị, đề xuất; các chính sách mới của Dự án Luật Căn cước…
Đại tá Trần Nam Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng An ninh nhân dân 1 cho biết, bên cạnh kết quả tích cực, trong quá trình triển khai thi hành, Luật Căn cước công dân (CCCD) đã phát sinh các vấn đề cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung. Trong đó đáng chú ý, Luật CCCD là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, quy định việc chuyển đổi từ cấp, sử dụng chứng minh nhân dân sang cấp, sử dụng bằng thẻ CCCD.
Tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức đã yêu cầu công dân bắt buộc phải thực hiện các thủ tục để cập nhật, điều chỉnh lại thông tin trên giấy tờ, tài liệu đã cấp trước đây cho công dân gây khó khăn, phiền hà cho công dân…
Qua thực tiễn triển khai thi hành Luật CCCD, Đại tá Đỗ Hoài Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Theo đó, ông kiến nghị bổ sung quy định về VNeID là ứng dụng duy nhất và được cấp phép sử dụng trong các giao dịch hành chính công cũng như các giao dịch dân sự; có quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin trong CSDL căn cước vào thẻ căn cước; bổ sung quy định về cấp số định danh cho người gốc Việt Nam.
Thiếu tá Phạm Văn Sơn, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đưa ra một số đề nghị để khai thác hiệu quả dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phối hợp xây dựng bộ các chỉ số phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc kết nối, khai thác, thu thập, cập nhật thông tin công dân phải bảo đảm nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của Hiến pháp, quy định pháp luật hiện hành…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp khẳng định, các ý kiến tham luận tại Hội thảo thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và tâm huyết trong công tác nghiên cứu khoa học và có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thiện lý luận pháp luật về căn cước, thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư, CSDL căn cước, ứng dụng căn cước điện tử để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở nước ta hiện nay.
Các ý kiến tham luận cũng chính là cơ sở quan trọng để Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật Căn cước bảo đảm đúng tiến độ và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay đặc biệt là yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.