Tiết lộ hồ sơ thảm họa thủy ngân ở vịnh Minamata chấn động Nhật Bản

(PLO) - Từ năm 1932 đến năm 1968, đã có hàng trăm tấn thủy ngân tràn ra các vùng nước sạch của vịnh Minamata (tỉnh Kumamoto, đảo Kyushu, Nhật Bản), tạo ra những thảm họa môi trường và sức khỏe vô cùng khốc liệt và vẫn còn để lại ảnh hưởng tới tận ngày nay.
Vịnh Minamata, nơi  xảy ra những thảm họa môi trường và sức khỏe vô cùng khốc liệt với người dân Nhật Bản
Vịnh Minamata, nơi xảy ra những thảm họa môi trường và sức khỏe vô cùng khốc liệt với người dân Nhật Bản

Đi bên hông ngôi nhà, bà Rimiko Yoshinaga chỉ tay về một cái thân cây rộng mà xưa kia ông nội bà thường leo lên. 

600 Tấn thủy ngân rò rỉ

“Ông ấy muốn ngó xem đàn cá bơi đến”, Rimiko giải thích. Ngày nay cảnh đà đổi khác, ngay rìa Myojin ở Minamata không còn nhìn thấy biển được nữa, mà chỉ còn nhìn thấy đường xá, sân vận động, 3 viện bảo tàng, công viên tưởng niệm và một vườn tre tuyệt đẹp. Bên dưới lớp đất ở đây là một cái nền bằng nhựa, và dưới đó nữa là lớp bùn cặn thủy ngân. Dân xứ này nhiều người vướng phải một chứng bệnh bí ẩn, gọi là “bệnh thơ thẩn” hay “bệnh mèo múa”, giờ đây được gọi chung là “Bệnh Minamata”. Nguồn cơn do đâu? 

Từ năm 1932 đến 1968, nhà máy hóa chất Chisso đã xả ra 600 tấn thủy ngân vào vùng biển mà sau này là khu hải cảng. Chisso sử dụng thủy ngân để sản xuất ra Acetaldehyde, một thành phần trong nhiều chất nhựa. 

Sau khi thủy ngân chảy ra khỏi mương thoát nước của nhà máy Chisso, các loài sinh vật phù du đã dính thủy ngân, kế đó loài cá thu, cá mòi và sò óc và nhiều loài tiếp tục ăn nó. Cuối cùng, thủy ngân (một chất độc thần kinh) lọt vào bụng người. Giống như mọi người dân ở Minamata, đặc biệt là 3 gia đình sống trong thôn nhỏ gần nơi ô nhiễm, gia đình Rimiko đã ăn rất nhiều hải sản vào đầu thập niên 1950 nhưng đâu biết gì đâu. Cha của Rimiko làm việc tại nhà máy Chisso nhưng ông nội Rimiko là ngư dân, thường đi đánh cá. Anh trai cả của Rimiko hay lựa cua ghẹ sau mỗi chuyến đi biển của ông nội. 

Sinh năm 1951, Rimiko Yoshinaga là người trẻ nhất. Vụ ngộ độc thủy ngân hàng loạt trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản và cả trên thế giới, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về thủy ngân và cả các nhà lập chính sách. Và một công ước của LHQ được gọi tên là Công ước thủy ngân Minamata (MCM) ra đời, nhấn mạnh việc ngăn ngừa một thảm họa tương tự có thể xảy ra trong tương lai. 

Kể từ khi ký MCM đã có 74 quốc gia phê chuẩn Công ước Minamata. MCM đã chính thức có hiệu lực vào tháng 8/2017. 6 thập kỷ đã trôi qua, câu chuyện về Minamata đang đưa đến một giải pháp bền vững với một nghiên cứu về tác động của thảm họa thủy ngân ảnh hưởng ra sao đến việc xác định các trường hợp ngộ độc, và một nỗ lực để xử lý vấn đề môi trường rất gai góc. 

Nhà máy hóa chất Chisso, nơi từng xả ra 600 tấn thủy ngân, đầu độc vùng biển mà ngày nay là hải cảng Minamata
Nhà máy hóa chất Chisso, nơi từng xả ra 600 tấn thủy ngân, đầu độc vùng biển mà ngày nay là hải cảng Minamata

Thảm kịch

Ngày nay, trên nền cũ của nhà máy hóa chất Chisso năm nào đã mọc lên Nhà máy Chisso mới (JNC), là đơn vị nắm quyền kinh doanh hóa chất ngay từ năm 2011. Hồi thập niên 1950, trước khi các thành viên trong gia đình Rimiko đổ bệnh, họ bắt đầu thấy các triệu chứng mà ngày nay được gọi là thảm kịch môi trường: Cá chết nổi trắng bụng; con mèo trong nhà Rimiko đột nhiên ngã xuống biển và chết. Hàng trăm con mèo khác sau khi ăn cá của ngư dân cũng bắt đầu nhảy múa loạn xạ rồi chết vì kiệt sức. Mèo chết, chuột tăng vọt, qụa rơi lả tả xuống đất. 

Rimiko còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì khi hàng xóm bỗng lăn đùng ra ốm, rồi cha cũng ốm và chết vào năm 1956. Mẹ của Rimiko, bà Mitsuko Oya, kể lại những triệu chứng mà chồng bà từng biểu hiện trước khi qua đời: “Ông ấy hay than phiền không thể nói năng ổn thỏa. Ông ấy muốn nói nhưng từ ngữ không tuôn ra”. Việc miệng tê, tay chân tê cùng nói khó khăn là một trong số các dấu hiệu của tình trạng ngộ độc thủy ngân. 

Thủy ngân, nguyên tố thứ 80 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, thường hiển hiện ở các dạng hóa học khác nhau, mỗi dạng lại có 1 đặc điểm riêng. Dạng thủy ngân tràn vào biển Shiranui và xâm nhập vào nguồn các chất đạm chính của vịnh Minamata là Methylmercury, một dạng hữu cơ có 1 nguyên tử Carbon và 3 nguyên tử Hydrogen kết lại với nhau. Chỉ cần ăn 1 miếng cá, ruột người cũng có thể chứa đến 95% Methylmercury, khi đi vào các tế bào máu sẽ “bịt”  huyết sắc tố và có thể ảnh hưởng tới gan. Nguy hiểm nhất là khi lượng Methylmercury đi tới não bộ sẽ tàn phá thần kinh ở nhiều vùng khác nhau. 

Năm 1972, lần đầu tiên tạp chí Life công bố những hình ảnh của 2 nhà báo Eugene và Aileen Smith về các nạn nhân ở Minamata. Các nạn nhân đã tìm tới cơ quan báo chí và yêu cầu Chisso phải bồi thường, dẫn đến phiên tòa năm 1973. Nhà máy Chisso buộc phải thừa nhận trách nhiệm đã gây ra thảm họa Minamata do không lường hết trước mức độ nguy hiểm của 600 tấn thủy ngân chảy ra từ hệ thống xử lý nước của nhà máy. Trước đó vào năm 1959, ban giám đốc với sự chống lưng của chính phủ và các nhà khoa học ở Tokyo, đã chỉ trích các nhà nghiên cứu cho rằng thủy ngân trong nhà máy là không an toàn cho cá ăn phải tại vịnh Minamata, thậm chí nghiệp đoàn này còn làm một bộ phim nhằm bao biện với dân Minamata rằng hệ thống xử lý nước thải của họ đang rất an toàn. 

Ô nhiễm thủy ngân đang lan tràn ở các đại dương gây hại cho các loài cá, một trong những thực phẩm chính của loài người
Ô nhiễm thủy ngân đang lan tràn ở các đại dương gây hại cho các loài cá, một trong những thực phẩm chính của loài người

Công ước Minamata

Khi Bộ Y tế và phúc lợi Nhật Bản ra thông cáo báo chí về ngộ độc thủy ngân ở vịnh Minamita, dư luận không ngớt xôn xao về số phận các nạn nhân và làm thế nào để chặn đứng thảm họa trong tương lai. 

Cách Minamata khoảng 12.000 km, bà Rimiko Yoshinaga có dịp nói chuyện với nhiều nhà nghiên cứu ở Providence, Rhode Island, nơi diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ 13 về thủy ngân, được tổ chức 2 năm một lần. Mùa hè năm 2017 này, 1000 nhà nghiên cứu đến từ 50 quốc gia trên thế giới đã tề tựu về. Trong suốt 45 năm qua, Rimiko cố giữ bí mật về mình. Trước khi lấy người chồng đầu tiên, bà không đề cập căn bệnh của mình cho đến khi cha mẹ chồng muốn biết rõ hoàn cảnh của cô con dâu tương lai. Khi bị chồng vặn hỏi, Rimiko đành phải thú thật, nhưng bà vẫn không công khai với xã hội cho mãi đến năm 1994. Nhà hoạt động Minamata lâu năm, ông Toshio Yoshinaga, giờ là chồng của bà Rimiko. Khi công khai với xã hội, người ta đã yêu cầu bà nói chuyện trước hàng trăm người. Sống bằng nghề tái chế đồ thủy tinh trong căn nhà nhỏ ở phía sau ngôi nhà chính, bà Rimiko là một trong những người tài năng và khỏe mạnh nhất trong số các nạn nhân của cộng đồng Minamata. 

Suốt nhiều năm, Rimiko đã nói chuyện ở Philippines và Johannesburg, nhưng mùa hè này, tại Providence, bà mới cảm thấy thật sự nhẹ nhõm khi Công ước Minamata về thủy ngân (MCM) thực sự có hiệu lực. MCM đi kèm với một danh sách kiểm tra dài hạn. Các quốc gia phải ngay lập tức hủy bỏ việc tạo ra các mỏ thủy ngân mới và họ phải có hành động thiết thực với các thợ mỏ vàng. Sang năm 2018, các quốc gia cần phải loại bỏ sử dụng thủy ngân trong việc sản xuất Acetaldehyde – quy trình gây ngộ độc ở vịnh Minamata.

Bà Rimiko Yoshinaga, một trong những nạn nhân ở vịnh Minamata
Bà Rimiko Yoshinaga, một trong những nạn nhân ở vịnh Minamata

Đến năm 2020, phải loại bỏ các sản phẩm có chứa thủy ngân. Cuối buổi trò chuyện, Rimiko đã đưa ra lời thỉnh cầu: “Chúng tôi, những người sống gần biển, và cũng là lớp người đầu tiên nhìn thấy hiện tượng lạ. Chúng tôi muốn các vị phải tìm cách bảo vệ mạng sống cho người dân. Đây là mong ước của người dân Minamata (Nhật Bản), nơi có khoảng 1 vạn người đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe”…/. 

Đọc thêm