Tiểu thuyết chạm vào nỗi đau của chim chóc

(PLVN) - “Linh điểu” là tiểu thuyết thứ 10 của Nguyễn Văn Học, vừa được NXB Dân trí và Công ty sách Trí thức Việt phát hành, quý I/2020. 

Trong suốt 20 năm cầm bút, Nguyễn Văn Học luôn trăn trở với những vấn đề của xã hội, đất nước, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường. Cuốn tiểu thuyết mới nhất “Linh điểu”, dày 300 trang cũng chung mạch cảm thức và trăn trở, đau đáu cho môi sinh.

Nhà văn Nguyễn Văn Học, người con của vùng quê Phú Xuyên (Hà Nội) đã tập trung khai thác bi kịch của con người khi họ vừa là thủ phạm tàn phá môi trường, đồng thời cũng là nạn nhân của những biến đổi môi sinh khủng khiếp có tính cấp thiết, là nỗi đau đớn của toàn cầu.

Tiểu thuyết xoay quanh chuyện một cô gái có tên Diệp Vân, bị người mẹ khốn khổ của mình bỏ rơi trước nhà một bà giáo, với mong muốn con mình sẽ được người phụ nữ phúc đức ấy tiếp nhận, nuôi nấng. Người mẹ nghèo tội nghiệp đã được như ý muốn.

 

Diệp Vân trở thành thành viên của ngôi nhà ấm áp, giàu tình thương. Nhưng từ nhỏ, Diệp Vân đã nhạy cảm với loài chim chóc. Cô có thể nghe thấy tiếng chim, tiếng đập cánh của chúng từ rất xa. Cô cũng yêu chim chóc và coi chúng là bè bạn. Cũng vì thế, chim chóc đến với cô ngày một nhiều để tung tăng nhảy nhót, hót và gáy theo cách của mình.

Có một điều đặc biệt, trên hai vai Diệp Vân từ nhỏ đã hằn hai vết sẹo. Sẹo lớn từng ngày. Đến thời thiếu nữ hai vết sẹo đã phát triển thành đôi cánh, có lông vũ như loài cò vạc. Một đêm sau trận bão, cô đã cứu một con cu gáy bị cụt chân, đã gõ vừa phòng nhà mình.

Kể từ đó, cô thành hiệp sĩ của chim chóc. Chim chóc từ các vườn chim, vườn cò, các cánh đồng khắp nơi bị săn bắt, nhiều con bị thương, gào khóc. Chim chóc tìm về với cô. Cô cùng chị gái tham gia Câu lạc bộ Bảo vệ động vật hoang dã.

Càng tham gia càng thấy chim chóc, những sinh vật là ca sĩ bầu trời bị bủa vây bằng nhiều cách khác nhau ở chính những nơi từng bình yên, nơi chúng từng làm đẹp cho cuộc sống, để bị đưa về những quán nhậu, tước mất mạng sống. Chúng thành món mồi ngon của dân nhậu.

Trong hành trình tìm kiếm sự giúp đỡ, bảo vệ các vườn cò, cô luôn bị tuyệt vọng. Tuyệt vọng bởi chính vườn cò của bà ngoại cô, đã được ông, rồi sau này là bà và người cậu dày công bảo vệ, cũng không cưỡng được nạn săn bắt. Theo từng ngày, cò vạc bị xẻ thịt. Vườn cò cũng bị tước mất vì công nghiệp hóa, bị xóa sổ trong khổ đau. “Cò mẹ” là bà ngoại Diệp Vân cũng chết trong khi bảo vệ cò vạc.

Trong dòng đời, mẹ Diệp Vân đã tìm được con. Cô có hai người mẹ. Theo diễn biến câu chuyện, quê của Ngải – mẹ đẻ Diệp Vân ở gần với vườn cò của bà ngoại. Nơi đó ngày xưa là ổ chứa hóa chất, thuốc trừ sâu. Thuốc độc đã ngấm xuống đất. Thuốc độc khiến nhiều người con của vùng quê nghèo sinh ra đã bị què cụt, đui mù, tật nguyền. Ngải cũng mọc cánh như con gái. Chị bị sự kỳ thị giết chết.

Cả hai mẹ con, dù có cánh nhưng không thể bay. Diệp Vân có mong ước lớn lao là có thể tập bay, có thể vượt thoát khỏi sự trì níu tầm thường của cơ thể, đến với không trung, với bầu trời, chim chóc và tình yêu rộng lượng. Nhưng cô không thể cất mình lên được. Cánh cô dù dang rộng cũng chỉ giúp cô là là trên mặt đất. Cô vẫn là cô.

Cô muốn bảo vệ vườn cò, nhưng chẳng có cách nào. Không nhiều người muốn cùng cô đồng hành, chạm tay đến sự sinh động của tình bác ái, lòng bao dung và tạo cơ hội cho những loài sinh vật một chốn nương thân. Người ta cứ giơ lên những vết chém nhẫn tâm vào loài chim yếu đuối, mong manh, nhưng lại hữu ích với cuộc sống bình dị này. 

Suốt 300 trang tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Văn Học đã động chạm đến vấn đề con người, nhân loại quan tâm, khi khắp nơi thiên nhiên bị tàn phá. Anh nói đến chuyện con người đang khai thác tận diệt thiên nhiên, môi trường, đang chạm đến những vùng cấm mà con người không nên chạm vào. Bởi khi chạm đến vùng cấm, thiên nhiên sẽ đáp trả.

Là nhà văn chuyên khai thác vấn đề sinh thái, môi trường, tiểu thuyết “Linh điểu” thể hiện tình yêu môi trường, vẻ đẹp làng quê bình dị, cũng như gióng lên tiếng nói bảo vệ môi trường, chim chóc, các vườn cò trong cả nước.