Hội thảo tập trung vào hai vấn đề chính: Thực trạng sản phẩm du lịch, thị trường du lịch và công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại vùng ĐBSCL; cơ chế, chính sách và giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động xúc tiến phát triển du lịch vùng ĐBSCL. Đồng thời, các đại biểu cũng đề cập đến việc thành lập Ban Điều phối du lịch vùng ĐBSCL để có một cơ quan “đạo diễn” liên kết, phát triển du lịch vùng.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, du lịch vùng ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng một phần là do công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được tổ chức thực hiện một cách chuyên nghiệp, có bài bản, có kế hoạch, chiến lược ngắn và dài hạn thống nhất. Chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ trong quảng bá xúc tiến du lịch giữa các địa phương, đặc biệt là nguồn lực cho quảng bá, xúc tiến du lịch còn hết sức eo hẹp. Một trong những hạn chế lớn của du lịch ĐBSCL là vấn đề các sản phẩm du lịch trùng lặp các địa phương chưa có sản phẩm đặc thù. Việc liên kết khai thác, phát triển du lịch giữa các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng ĐBSCL với các vùng trong cả nước còn hạn chế…
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Hoàng Hành, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ bày tỏ, vấn đề quan trọng là nội dung liên kết; ngoài liên kết chính quyền, cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, người làm du lịch, cơ quan truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch theo hướng phát triển các “chuỗi giá trị ngành du lịch” và “sản phẩm du lịch đặc thù”.
Theo Tổng cục Du lịch, giai đoạn 2006-2015, khách du lịch đến vùng ĐBSCL tăng trung bình 11%/năm, trong đó khách du lịch quốc tế tăng 8,45%/năm, khách du lịch nội địa tăng 11,98%/năm. Tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình 23,6%/năm.
Tối 11/7 tại Quảng trường Hòa Bình, TP Vị Thanh, Hậu Giang sẽ diễn ra Lễ khai mạc MDEC-Hậu Giang 2016) với chủ đề: “ĐBSCL – Chủ động hội nhập và phát triển bền vững”. Đây là một hoạt động liên kết mở nhằm góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng trong việc hội nhập kinh tế quốc tế, bàn các giải pháp chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cho vùng ĐBSCL; tăng cường mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế; tạo môi trường thuận lợi trong việc xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của vùng ĐBSCL; tiếp thu khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tăng cường giao lưu hợp tác kinh tế, các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau...
Trước đó, trong khuôn khổ MDEC-Hậu Giang năm 2016 đã diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư “Hậu Giang-Tiềm năng đầu tư và phát triển” nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Hậu Giang, các dự án cụ thể để kêu gọi đầu tư. Đồng thời, vinh danh vai trò của doanh nghiệp trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hậu Giang...