Ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022. Phiên họp tập trung thảo luận về một số nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Dự thảo chương trình phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn năm 2022-2023; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games lần thứ 31…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tháng 2 là tháng diễn ra Tết Nguyên đán, cũng là tháng bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến mới với áp lực lạm phát, giá nguyên vật liệu, nhất là giá xăng dầu, tăng cao, tình hình xung đột ở Ukraine… Trong nước, dịch bệnh diễn biến phức tạp với biến chủng Omicron lây lan rất nhanh, nhưng chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình, dù ca mắc tăng nhanh, nhiều, song số ca chuyển nặng và tử vong vẫn được kiểm soát.
Trong bối cảnh khó khăn, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực, phấn đấu, nên tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc và tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là khôi phục thị trường lao động.
Bên cạnh đó, chúng ta vẫn triển khai tốt các nhiệm vụ thường xuyên, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho nhân dân vui Tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, rà soát những nơi, những gia đình khó khăn để hỗ trợ kịp thời, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Tình hình 2 tháng đầu năm khởi sắc, phục hồi trên tất cả các mặt, nhưng trong tháng 3 lại xuất hiện những khó khăn mới, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận thật kỹ, đánh giá chính xác tình hình 2 tháng, dự báo tình hình tháng 3 và cả quý I để đề ra mục tiêu sát thực tế, có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả, lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo để quý I tiếp tục đà phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, tạo đà thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho cả năm 2022.
Các ý kiến thống nhất đánh giá tình hình tháng 2 và 2 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, tình hình còn những diễn biến phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu… Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu
Thủ tướng dự báo, tình hình tháng 3 và những tháng tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, nhiều diễn biến không dự báo được. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới,để đạt kết quả ngay trong quý I, tạo đà cho cả năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Trước hết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.
Nhiệm vụ thứ tư là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vấn đề liên quan.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu…
Cùng với đó, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng; kiên quyết điều chỉnh vốn của các bộ, ngành địa phương chưa phân bổ xong kế hoạch vốn trong tháng 3, sau đó kiểm điểm trách nhiệm. Phân bổ vốn tích cực, đúng hướng, khả thi đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực giải ngân vốn ODA, vốn vay nước ngoài.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sớm ban hành chương trình phòng chống dịch
Thủ tướng nhấn mạnh, cần bám sát chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung hoàn thiện các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình phòng chống dịch bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình công nhân, lao động, với các tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động cần đánh giá đúng bản chất, xử lý theo quy định pháp luật, giải quyết thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên.
Trong tháng 3, các bộ, cơ quan phải hoàn thiện nghị định quy định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan, nhất là cơ cấu tổ chức bên trong.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, ách tắc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục giải quyết các công việc tồn đọng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ; Việc giải quyết vấn đề hàng hóa tồn đọng tại biên giới cửa khẩu phải vừa có giải pháp trước mắt, vừa có giải pháp lâu dài.
Rà soát, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho những người khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, phải tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hội nhập sâu rộng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an dân.