Diễn đàn lần này nằm trong Dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024” năm 2023- Chương trình hành động nhằm thực hiện sáng kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, với mục tiêu hỗ trợ sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, hòa nhập với sự phát triển của báo chí thế giới, góp phần thực hiện tốt vai trò trong việc xây dựng khát vọng về một Việt Nam hùng cường và vươn cao hơn nữa.
Đây là cũng là Dự án được triển khai theo phương thức xã hội hóa các nguồn lực có thể đóng góp cho sự phát triển của Báo chí, thông qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nước góp phần chuyển tải các giá trị tốt đẹp đến với xã hội.
Toàn cảnh diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023 |
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra 3 phiên thảo luận trao đổi, đánh giá về thực trạng kinh tế báo chí, nguồn thu/hoạt động kinh tế trong các cơ quan báo chí hiện nay; những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan báo chí trong việc thực thi chính sách liên quan tới cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ cũng như chia sẻ một số mô hình kinh tế báo chí và gợi mở cho hoạt động kinh tế báo chí ở nước ta.... Các phiên diễn đàn này do ông Trần Thanh Lâm Phó Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam và ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng chủ trì.
Có một thực tế là, dù là báo in, báo điện tử hay phát thanh, truyền hình, vẫn dựa khá nhiều vào nguồn thu quảng cáo. Nếu như trước đây, doanh thu từ quảng cáo luôn chiếm trên 60%, thậm chí với một số cơ quan báo chí là 90% thì giờ đây sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là báo in. Nhiều người đặt kỳ vọng vào báo chí điện tử, song nguồn thu từ báo chí điện tử dù tăng nhưng vẫn cần nhiều thời gian để có được nguồn thu bền vững hơn.
Trao đổi về vấn đề này tại Diễn đàn, đại diện Cục Báo Chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vẫn cần tăng cường trách nhiệm cơ quan chủ quản báo chí trong chỉ đạo, bố trí kinh phí và tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trực thuộc triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí; tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên, phóng viên về chuyển đổi số và kinh tế báo chí, đẩy mạnh phổ biến kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn. Đồng thời, các cơ quan báo chí hiện nay tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển sản phẩm báo chí chất lượng cao, thường xuyên đổi mới sản xuất theo xu hướng báo chí số với mục tiêu lấy “bạn đọc là trung tâm”, đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế báo chí gắn với việc thực hiện nghiêm quy định pháp luật về báo chí, đặc biệt là thực hiện đúng theo tôn chỉ, mục đích.
Tại Diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, kinh tế báo chí là một vấn đề cấp thiết cần có lời giải đáp để báo chí Việt Nam phát triển. Việc giải được bài toán kinh tế báo chí cũng giúp cho báo chí các địa phương từng bước tự chủ tài chính, để có bước phát triển đột phá nhằm thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam; là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.
Trong điều kiện kinh tế báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều cơ quan báo chí trong đó có cơ quan báo chí của tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn, báo in ngày càng sụt giảm, trong khi vẫn phải đầu tư cho báo điện tử mà không thu được doanh số đáng kể; truyền hình mất dần doanh thu, nguồn thu quảng cáo bởi các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến các cơ quan báo chí thiếu nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Diễn đàn |
Theo đó, để gỡ khó cho bài toán kinh tế báo chí của địa phương, tỉnh Bình Định đã và đang ưu tiên dành nhiều nguồn lực, tăng ngân sách chi cho hoạt động truyền thông, mà đặc biệt là hoạt động truyền thông chính sách, tập trung truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương theo cơ chế hợp tác truyền thông... để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí.