Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ: Nhiệm vụ chính trị thiêng liêng!

(PLVN) - Giữa không gian trang nghiêm của những ngày tháng tư hào hùng, câu chuyện về việc tìm kiếm liệt sĩ cứ nối dài. Đó là câu chuyện của người lính già hơn 50 năm với lời hứa đưa người bạn trở về đất mẹ; là câu chuyện của anh sĩ quan ngày ngày đi tìm, quy tập hài cốt liệt sĩ như một cách để báo đáp cuộc đời…
Ông Lã Mạnh Tùng (bìa trái) - người lính đặc công năm xưa với 50 năm đau đáu đưa bạn về đất mẹ.

Sáng ngày 26/4, tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Gia Lai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với Cục Chính trị Quân đoàn 3 đã long trọng tổ chức Lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Đây là một liệt sĩ vô danh đã hi sinh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.

“Chiến tranh kết thúc, nếu còn sống tớ đưa cậu về đất mẹ”

Sau nhiều lần hẹn tôi mới gặp được ông Lã Mạnh Tùng (quê Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định), nhập ngũ tháng 2/1968, thuộc Tiểu đoàn đặc công 20, mặt trận B3 Tây Nguyên. May mắn hơn những đồng đội đã nằm xuống, ông trở về quê hương dù thương binh hạng 2/4.

Ông kể, cơ duyên để những năm tháng tuổi già gắn với việc đi tìm, quy tập hài cốt liệt sĩ cũng rất đơn giản. Lúc đầu, ông muốn đi tìm người bạn thân tên Phạm Trọng Tiến, hi sinh ngày 10/4/1974 tại trận đánh ở cao điểm 664, mặt trận Tây Nguyên. Rít một hơi thuốc, ánh mắt người lính già nhìn xa xăm. Ông kể: “Sau khi về hưu, tôi cứ day dứt mãi lời hứa đưa Tiến về quê. Tôi còn nhớ mãi, đó là một trận đánh vào tháng 6/1974. Tôi cùng với Tiến mỗi người đánh một điểm. Tiến đánh ở cao điểm 664, tôi đánh ở điểm khác. Trận đánh kết thúc, ngày 10/6/1974, trên đường về lại đơn vị một đồng đội gặp tôi trên đường liền nói: “Tùng ơi, Tiến hi sinh rồi. Chính tay tớ chôn cậu ấy ở toạ độ X đó”. Chiến tranh ác liệt, ghé vội chỗ mộ Tiến cùng những đồng đội đã ngã xuống, tôi chỉ kịp hái nhánh hoa rừng để lên mộ bạn với lời hứa “Chiến tranh kết thúc, nếu còn sống tớ đưa cậu về đất mẹ”.

Ông Lã Mạnh Tùng.

Năm 1994, sau khi nghỉ hưu được vài năm ông Lã Mạnh Tùng quyết định lên đường đi tìm bạn. Thế nhưng chuyến đi đó, ông vẫn chưa tìm được bạn mình mà chỉ cùng với Quân đoàn 3 đưa được 7 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ thuộc tỉnh Gia Lai để chôn cất. Lần lượt sau đó là những năm 1996, 2004, 2008 ông tiếp tục vào lại chiến trường xưa với hi vọng đưa bạn của mình về quê hương, như lời hứa nhưng vẫn không tìm được. Ông nói: “Hơn 50 năm tôi vẫn nhớ như in toạ độ mà người lính năm xưa đã chôn cất Tiến, thế nhưng vẫn không tìm được cậu ấy. Có thể Tiến của tớ đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ nào đó với tấm bia mộ mang tên “vô danh”.

Ông Tùng kể, sau những lần đi tìm kiếm, ông hiểu rằng còn rất nhiều đồng đội của ông đang nằm sâu dưới lòng đất. Vậy là, không chỉ để tìm bạn thân thôi thúc ông lên đường mà chính những sự mong ngóng của những gia đình được đưa cha, chú về quê hương đã khiến mảnh đất Tây Nguyên lại một lần nữa trở thành mảnh đất quen thuộc của ông.

Từ khoảng năm 2018, khi con cái đã trưởng thành cùng với đồng lương hưu ít ỏi ông Tùng coi việc đi tìm, quy tập hài cốt liệt sĩ như nhiệm vụ của bản thân. Dường như không có cuộc gặp gỡ của những người cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên nào ông vắng mặt dù được mời hay không. Ông bảo: “Tớ đến đó với hy vọng gặp lại những nhân chứng sống, dù chỉ là những trí nhớ mang máng, góp nhặt cũng là góp thêm hi vọng để đưa những người lính đã ngã xuống về với đồng đội, với con cháu”.

Ông kể, khi vào Gia Lai cùng với anh em đội quy tập liệt sĩ Quân đoàn 3, Ban Chỉ đạo 515 của tỉnh Gia Lai phối hợp với ông đã tìm được nhiều đồng đội đưa về quy tập ở các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Như năm 2022, ông đã tìm được 12 liệt sĩ hi sinh trong một hang bị đánh sập ở núi Chư Pao (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai). Năm 2023, ông tìm được 8 liệt sĩ hi sinh ở phường Ngô Mây, tỉnh Kon Tum.

Thượng tá Nguyễn Văn Quyết, Đội trưởng Đội quy tập, Quân đoàn 3 và đồng đội trong một lần làm nhiệm vụ.

“Để tìm được những liệt sĩ, ngoài nguồn tin cung cấp của Nhân dân thì mình phải tìm và đọc những tài liệu trong lịch sử. Sau đó, đối chiếu xem khu vực đó đã được quy tập chưa. Tìm hiểu thêm những nhân chứng trong trận chiến đó rồi mới làm đơn yêu cầu tiến hành khảo sát khu vực đó”, ông Tùng kể.

Ánh mắt ông bỗng sáng lên khi mở cho chúng tôi xem bản đồ trong điện thoại. Ở những ngọn núi cao và cánh rừng sâu, nơi tôi cảm giác chưa từng có bước chân người đặt tới thì những chấm đỏ chi chít hiện lên. Ông nói: “Những chấm đỏ đó là nơi tớ đã đến”. Sau 6 năm vượt bao con suối, quả núi thì bước đầu ông đã tìm thấy vị trí được nghi là Viện 2 (Viện phục vụ thương binh phía Nam mặt trận B3 Tây Nguyên). Hiện ông đã làm đơn lên Cục Chính sách để yêu cầu khảo sát. Nếu vị trí là chính xác, thì có rất nhiều đồng đội của ông bị thương rồi hi sinh đã nằm xuống nơi mảnh đất đó.

Nhiệm vụ chính trị thiêng liêng

Không chỉ những người lính xưa đau đáu tìm đồng đội của mình mà cả những người lính trẻ hôm nay cũng vẫn ngày đêm quán triệt và bám sát nhiệm vụ để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Thượng tá Nguyễn Văn Quyết, Đội trưởng Đội quy tập liệt sĩ, Cục Chính trị, Quân đoàn 3 cho biết: Chỉ huy đội quy tập đã và đang làm tốt công tác giáo dục, quán triệt các nghị quyết thông tư hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia 515 về công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Trong câu chuyện kể với phóng viên, Thượng tá Quyết kể rằng: “Anh em trong đội không chỉ coi đây là công việc, nhiệm vụ đơn thuần mà là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng, cao cả góp phần vào công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của cả nước, cũng như đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đây cũng là cách để anh em chúng tôi báo đáp với cuộc đời”.

Câu chuyện như lắng lại, trầm ngâm một lúc, anh Quyết như vừa kể, vừa đang nói với chính mình: “Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, những người lính đã hi sinh nằm dưới đất cũng nhiều hơn thời gian đó. Số liệt sĩ hi sinh ở Tây Nguyên thì nhiều (33.235 liệt sĩ), những hồ sơ lưu trữ ngày xưa đa phần ghi địa danh nên việc tìm kiếm của chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Địa hình cũng thay đổi, các nhân chứng lịch sử không còn nhiều, trí nhớ của các bác cũng giảm nên việc tiếp nhận thông tin không dễ dàng gì. Thế nên, anh em trong đội chúng tôi cứ nói với nhau rằng “tìm hài cốt liệt sĩ như tìm người thân của chính gia đình mình”, bởi ở ngoài kia còn biết bao nhiêu người vợ mong chồng, người con mong cha, người cháu đi tìm chú… Vì thế, trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến nay chúng tôi đã tìm và quy tập được gần 20 hài cốt liệt sĩ. Chỉ cần có manh mối là chúng tôi lập tức kiểm tra và tìm kiếm”.

Chiều buông, bên trong Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Gia Lai từng làn khói quấn lấy nhau. Mùi hương trầm khiến không gian như lắng đọng. Chúng tôi phải chào nhau khi câu chuyện về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vẫn chưa dứt. Tôi ra xe mà vẫn ám ảnh ánh mắt của người lính già năm xưa như đau đáu khi chưa tìm thấy bạn với lời hứa “Tớ sẽ tìm cho đến khi nào bước chân không còn đi được”; là ánh mắt đầy quyết tâm của Thượng tá Quyết với phương châm “tìm hài cốt liệt sĩ như tìm người thân”.

Nắng tháng 4 như dịu lại nơi mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.

Đọc thêm