Tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ: Chạy đua với thời gian

(PLVN) -  Hiện nay, số lượng mẫu hài cốt liệt sỹ cần xác định danh tính rất lớn. Do chất lượng mẫu ngày càng giảm nên lực lượng chức năng cần chạy đua với thời gian để làm nhanh hơn công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, giám định ADN.
Tưởng nhớ các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước Campuchia.
Tưởng nhớ các liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh vì nền độc lập, tự do của đất nước Campuchia.

Khó mấy cũng phải làm

Phát biểu tại Hội thảo Tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ sau chiến tranh ở Việt Nam do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (GĐLS) Việt Nam phối hợp với Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam cho biết: “Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã được độc lập nhưng hậu quả và dư âm của nó để lại vẫn rất khốc liệt. Đến nay vẫn còn 18 vạn liệt sĩ (LS) chưa tìm được hài cốt; hơn 30 vạn LS đang nằm trong 3.000 nghĩa trang chưa xác định được danh tính; hơn 56 vạn gia đình vẫn đang khắc khoải, chưa đưa được hài cốt liệt sĩ (HCLS) trở về với quê hương, đoàn tụ với gia đình, đồng đội”.

Tại Hội thảo, các tham luận tập trung bàn về những kết quả đạt được và những khó khăn trong quá trình tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính LS. Nhiều ý kiến cho rằng, quân đội ta tham gia chiến đấu trên cả chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia; nhiều LS được chôn cất ban đầu sơ sài, quản lý hồ sơ đơn giản, phiên hiệu đơn vị thay đổi, HCLS di dời nhiều nghĩa trang, địa hình, địa chất thay đổi. Những nhân chứng tuổi cao, sức yếu, trí nhớ không tốt, điều kiện kinh tế khó khăn. Địa chỉ thân nhân LS cũng biến động. Việc xét nghiệm ADN HCLS trong tình hình hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách do chất lượng mẫu ngày càng giảm, trong khi số lượng mẫu hài cốt chưa xác định danh tính rất lớn. Do đó, mặc dù được Đảng, Nhà nước rất quan tâm về công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của thân nhân GĐLS.

Hầu hết các địa bàn tìm kiếm, quy tập HCLS nằm ở vùng sâu, vùng xa, địa hình khó khăn, hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, có nơi còn tồn sót bom mìn... Tuy nhiên, khó mấy cũng phải làm. Hiện cả nước có 23 Đội thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ trực tiếp tìm kiếm, quy tập HCLS trên địa bàn trong nước và tại nước bạn Lào, Campuchia. Gần 30 năm, các đội tìm kiếm, quy tập HCLS đã luôn đoàn kết, xác định tốt nhiệm vụ và trách nhiệm thiêng liêng với đồng đội đã ngã xuống để đáp ứng niềm tin, mong mỏi của các thân nhân LS. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đã có nhiều tổn thất, hy sinh (15 đồng chí hy sinh, 87 đồng chí bị thương và 26 đồng chí bị bệnh hiểm nghèo).

Tại cuộc gặp mặt các đội tìm kiếm, quy tập HCLS vào tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, từ nay đến năm 2030, thực hiện tìm kiếm, quy tập được khoảng 15.000 HCLS; hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập và kết luận khu vực, địa bàn có thông tin mộ LS tập thể; từ năm 2031 trở đi, tiếp tục tìm kiếm, quy tập HCLS đến khi không còn thông tin về HCLS, mộ LS.

Đại tá Phan Sỹ Thao, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam, cho biết: Từ năm 2013 đến năm 2020, toàn quốc đã tìm kiếm quy tập được hơn 16.960 HCLS. Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam từ năm 2010 đến nay đã hỗ trợ, tìm kiếm, quy tập được hơn 200 HCLS bằng phương pháp thực chứng; hỗ trợ và tổ chức giám định ADN hơn 1.047 HCLS; đã giám định xong hơn 665 HCLS. Tính chung hơn 10 năm qua, Hội Hỗ trợ GĐLSViệt Nam và các tổ chức hội đã tìm kiếm và xác định được gần 1.000 LS.

Mở rộng hợp tác quốc tế về tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Thời gian qua, công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế về tìm kiếm, xác định danh tính HCLS cũng được chú trọng, đẩy mạnh. Với sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, từ năm 2014 đến nay, các tổ chức và cá nhân phía Viện Hòa bình Hoa Kỳ đã cung cấp cho Việt Nam khoảng hơn 800 nghìn trang tài liệu, kỷ vật liên quan đến quân nhân Việt Nam hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh.

Từ nguồn thông tin, tài liệu quan trọng đó, kết hợp với nhiều nguồn thông tin khác, công tác tìm kiếm, quy tập HCLS, nhất là tìm kiếm, quy tập ở địa bàn trong nước và ở nước bạn Lào, Campuchia đã đạt được kết quả quan trọng. Nhiều địa phương đã chủ động khai thác, kết nối, xử lý các nguồn thông tin về LS, mộ LS; tổ chức các đợt khảo sát, huy động nhiều lực lượng, phương tiện, tìm kiếm trên quy mô rộng lớn và đã tìm kiếm, quy tập được những khu mộ tập thể có nhiều HCLS.

Kết quả, đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 HCLS; tiếp nhận hơn 38.000 mẫu HCLS và mẫu sinh phẩm thân nhân LS; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp…

Để giúp Việt Nam tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Andrew Wells-Dang, Giám đốc sáng kiến khắc phục hậu quả chiến tranh và hòa giải (Viện Hòa bình Hoa Kỳ) cho biết, Viện Hòa bình Hoa Kỳ là một phần của sáng kiến hỗ trợ tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh của Chính phủ Hoa Kỳ và đối tác tại Việt Nam là Ban Chỉ đạo Quốc gia 515 (Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS). Sáng kiến này đã triển khai từ năm ngoái.

Trong khuôn khổ hoạt động, Viện Hòa bình Hoa Kỳ sẽ quan tâm đến các đối thoại, các sự kiện như hội thảo và truyền thông ở cả Mỹ và Việt Nam để phát huy vai trò của các tổ chức xã hội và các cơ quan chính phủ để tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS Việt Nam.

Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam được thành lập theo quyết định ngày 17/9/2010 của Bộ Nội vụ. Hiện cả nước có 45 đầu mối cấp hội và chi hội, với hơn 10 vạn hội viên. Thời gian qua, Hội đã nỗ lực, hoạt động hiệu quả, đồng hành cùng các gia đình liệt sĩ trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt, lấy mẫu phẩm phục vụ giám định ADN, góp phần xoa dịu nỗi đau của chiến tranh, trở thành cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước.

Đọc thêm