Đưa vốn ưu đãi đúng đối tượng
Để có được kết quả này, những cán bộ tín dụng chính sách ở Đà Nẵng từ thành phố đến quận huyện đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, triển khai hàng loạt biện pháp huy động các nguồn lực, nắm bắt đầy đủ nhu cầu vay vốn của người nghèo và các tổ chức, chuyển tải nhanh chóng đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH Đà Nẵng đạt 2.040 tỷ đồng, tăng 370 tỷ đồng so với cuối năm 2018, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 882 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37% tổng nguồn vốn, tăng 791 tỷ đồng so với 5 năm trước.
Sở dĩ nguồn vốn ngân sách tăng nhanh, đạt cao như vậy bởi các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể ban, ngành ở Đà Nẵng đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội và có những hành động cụ thể.
UBND từ thành phố xuống cơ sở thực hiện nghiêm túc việc tập trung mọi nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH.
Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã bàn giao Quỹ hỗ trợ cho vay hoàn lương sang NHCSXH quản lý là 293 trường hợp, với dư nợ 775 triệu đồng. UBND các quận Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu chuyển nguồn vốn ủy thác từ Hội Nông dân quận sang NHCSXH để cho hội viên nông dân vay tổng số tiền 838 triệu đồng.
Tất thảy nguồn vốn chính sách của Trung ương cấp, của nguồn ngân sách địa phương ủy thác đã được NHCSXH chuyển tải đến khắp nơi trong thành phố, cho vay trực tiếp đến từng hộ nghèo, từng đối tượng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Nhờ vậy, NHCSXH Đà Nẵng ngày càng tăng thế lực hoạt động, làm tốt cả hai việc lớn là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và triển khai một số chính sách giảm nghèo đặc thù của địa phương.
Nhiều người đã thoát nghèo
Tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, ông Nguyễn Văn Tài phấn khởi trò chuyện với chúng tôi: “Nhờ đồng vốn hỗ trợ của NHCSXH, gia đình tôi đã vươn lên thoát cảnh nghèo nàn, túng thiếu”. Được biết, 5, 7 năm về trước nhà ông Tài thuộc diện hộ nghèo khó nhất nhì nơi đây.
Năm 2014, sau khi vay được 50 triệu đồng vốn tín dụng ưu đãi, ông đã mua bò, dê về chăn nuôi. Đến mùa xuân năm nay, gia đình ông có hẳn khu trang trại rộng 3.000m2 với đàn bò lai sin 8 con, đàn dê thịt 67 con cùng hơn một vạn cây keo lá chàm xanh um kín quả đồi. Nhà cửa của ông cũng được xây dựng khang trang và con cái đều ra thành phố học hành chu đáo.
Từ nông thôn đến thành thị ở Đà Nẵng, 5 năm lại đây, người nghèo và các đối tượng chính sách đều được chính quyền sở tại quan tâm giúp đỡ và hưởng lợi khá nhiều về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Đơn cử gia đình bà Trần Thị Kim Quy thuộc diện hộ nghèo ở tổ 25, phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) nhờ vay 30 triệu đồng của chương trình cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi do NHCSXH triển khai theo Nghị định 100 của Chính phủ đã xây mới ngôi nhà 2 tầng kiên cố, thoáng mát.
Cũng ở quận Cẩm Lệ, ông Nguyễn Thành Lâm vốn là hộ nghèo ở tổ 24, phường Hòa Xuân khởi nghiệp bằng 30 triệu đồng của NHCSXH quận Cẩm Lệ cùng khu đất dự án chưa triển khai của UBND phường Hòa Xuân cho mượn, ông đã đầu tư mua cây giống, nguyên liệu bắc giàn trồng hơn 2.000 chậu hoa cúc, hướng dương, thược dược, phong lan, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Phát huy kết quả đạt được, NHCSXH thành phố Đà Nẵng tiếp tục tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể thực hiện tốt hơn Chỉ thị 40 của Đảng, thông qua việc tập trung huy động mọi nguồn lực tổ chức chuyển tải nhanh chóng nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, phục vụ kịp thời, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo đặc thù, góp sức đẩy thành phố Đà Nẵng cất cánh vươn cao.