Tín dụng chính sách - Công cụ hữu hiệu giảm nghèo bền vững

(PLVN) - Sự chủ động và những bước đi sáng tạo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc thực thi tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Chính phủ ủy thác, đặc biệt là việc tham mưu Đảng, Chính phủ ban hành các chính sách tín dụng mang tính đón đầu, đã tạo nên những bước chuyển mới trong công tác tín dụng chính sách xã hội.
NHCSXH giải ngân trực tiếp vốn vay cho bà con tại Điểm giao dịch xã
Ảnh: Trần Việt
NHCSXH giải ngân trực tiếp vốn vay cho bà con tại Điểm giao dịch xã Ảnh: Trần Việt

Công cụ trực tiếp và nền tảng đề giảm nghèo

Nhìn lại việc triển khai hoạt động tín dụng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, điều mà Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng tâm đắc nhất chính là những hiệu ứng từ việc NHCSXH tiếp tục chủ động phối hợp cùng các Bộ, ngành tham mưu Đảng, Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần đưa nguồn vốn tín dụng ngày càng thâm nhập sâu rộng, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống. 

Điểm nhấn đầu tiên có thể kể đến việc chủ động tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW.

Việc triển khai Chỉ thị này đã tạo ra sự đột phá trong tư duy và cách làm của nhiều địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách, coi đây là công cụ quan trọng trực tiếp và mang tính nền tảng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 

Minh chứng có thể thấy rõ từ việc Đảng và các cấp chính quyền địa phương không chỉ chung tay nâng cao chất lượng tín dụng chính sách để “đồng tiền, bát gạo” của Chính phủ mà chủ động dành thêm nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo để gia tăng hiệu quả giảm nghèo. Nguồn vốn ủy thác địa phương trong 05 năm đã tăng thêm 10.709 tỷ đồng, đưa tổng nguồn vốn ủy thác địa phương đến nay đạt 14.516 tỷ đồng. 

NHCSXH chủ động báo cáo các Bộ, ngành Trung ương trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội phê chuẩn bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 để tạo sự ổn định, chủ động trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của các đối tượng thụ hưởng, giúp NHCSXH nâng cao năng lực tài chính, giảm bớt áp lực về nguồn vốn cho vay... Đến ngày 31/8/2019, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng (+43,59%) so với thời điểm 31/12/2015. 

Khi chính sách được xây lên từ cuộc sống 

Cũng trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, từ thực tế triển khai hoạt động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, NHCSXH cũng đã cùng các Bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chương trình tín dụng chính sách xã hội mới bổ trợ theo nhu cầu thực tế và bức thiết của người dân “để không ai bị bỏ lại phía sau” như: Cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, cho vay thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965 - 1975 tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau... 

Chính phủ cũng nâng mức cho vay tối đa chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, điều chỉnh lãi suất cho vay một số chương trình tín dụng chính sách hơn với thực tế, đồng thời, có chính sách cho vay đối với người dân chịu ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế...

HĐQT NHCSXH quyết định nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay và nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. 

Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện từ tham mưu của NHCSXH và các Bộ, ngành đã hoàn thiện mô hình quản lý Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội tương ứng với cấp chính quyền, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội. 

Cần nguồn lực đủ mạnh để tối ưu hóa chính sách

Những thành quả tín dụng giảm nghèo sẽ tiếp tục lan tỏa trong thời gian tới khi hiện vẫn còn 6,6 triệu người nghèo và đối tượng chính sách đang còn dư nợ với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/8/2019 đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng (+40,2%) so với thời điểm 31/12/2015. Về cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ vay vốn từ 02 đến 03 chương trình tín dụng chính sách...

Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn nữa chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH mong muốn các địa phương cùng MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. NHCSXH đề nghị các Bộ, ngành cân đối, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Trong đó bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã phê duyệt cho NHCSXH. 

Cùng với nhiều địa phương, NHCSXH kiến nghị Chính phủ các Bộ, ngành khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội phải đồng thời tính toán bố trí đủ nguồn lực, đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của chương trình.

Đọc thêm