Tín dụng chính sách: Động lực đưa Trấn Yên thành cực tăng trưởng mới của Yên Bái

(PLVN) - Tín dụng chính sách đã và đang trở thành đòn bẩy quan trọng, góp phần thúc đẩy huyện Trấn Yên chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một cực tăng trưởng mới của tỉnh Yên Bái. Với nguồn vốn ổn định và chính sách hỗ trợ linh hoạt, NHCSXH huyện Trấn Yên đã giúp người dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế bền vững.

"Động lực" thay đổi diện mạo vùng quê Trấn Yên

Huyện Trấn Yên, nằm ở phía đông nam tỉnh Yên Bái, giữ vai trò quan trọng trong liên kết vùng Tây Bắc. Với hệ thống giao thông đa dạng, từ đường thủy, đường sắt cho đến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, huyện đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Được biết đến với chiến khu cách mạng Vần cùng nền văn hóa phong phú của các dân tộc Thái, Tày, Mường..., Trấn Yên không chỉ hấp dẫn du khách mà còn nổi bật như một điểm sáng phát triển nông, lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa và thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Nông thôn miền núi Trấn Yên khởi sắc.

Diện mạo nông thôn miền núi nơi đây không ngừng đổi mới, đời sống người dân cải thiện rõ rệt, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo ở những thôn, bản xa xôi đã giảm đáng kể. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 1,43%, vượt mục tiêu đề ra. Trong năm 2024, huyện đặt mục tiêu giảm thêm 194 hộ nghèo, đưa tỷ lệ này còn 0,93%; tỷ lệ hộ cận nghèo cũng giảm xuống còn 1,18%; đồng thời đào tạo nghề cho hơn 300 lao động, giúp họ có việc làm ổn định và thu nhập ổn định.

Khi được hỏi về nguyên nhân của những thành tựu ấn tượng này, ông Nguyễn Thành Lê - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: “Thành quả này có được là nhờ Đảng bộ và chính quyền địa phương đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị cùng vào cuộc, thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, huyện đã triển khai mạnh mẽ Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đây chính là động lực thúc đẩy khát vọng và ý chí thoát nghèo của người dân Trấn Yên."

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngân - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Trấn Yên, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, đơn vị đã nhận được sự quan tâm thường xuyên từ các cấp ủy, chính quyền địa phương, qua đó không chỉ chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo mà còn tạo điều kiện toàn diện cho hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời, việc tăng cường kiểm tra, giám sát đã đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, từng hộ gia đình một cách hiệu quả.

Nhờ những nỗ lực này, NHCSXH huyện đã thu hút được sự đồng thuận và tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn, huy động tối đa các nguồn lực tài chính để giúp người dân giảm nghèo và cải thiện đời sống. Đến ngày 30/10/2024, đơn vị đã nhận 45,023 tỷ đồng vốn ủy thác từ địa phương, tăng 615 triệu đồng so với cuối năm 2023. Nhờ đó, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH huyện Trấn Yên đạt 587,045 tỷ đồng, tăng 34,193 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo tại địa phương.

Bên cạnh đó, gần 590 tỷ đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp trên, vốn huy động từ địa bàn dân cư và từ ngân sách địa phương ủy thác, đã được đội ngũ cán bộ tín dụng huyện Trấn Yên chuyển đến đúng đối tượng thụ hưởng. Các khoản vốn này kịp thời hỗ trợ đồng bào dân tộc trong việc xây dựng và triển khai các phương án phát triển nông, lâm nghiệp, giúp giảm nghèo nhanh chóng và làm giàu bền vững.

Suốt 22 năm qua, đặc biệt trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, các cán bộ tín dụng chính sách tại Trấn Yên đã không ngại khó khăn, luôn sát cánh bên người dân, thấu hiểu tâm tư và nguyện vọng của các hộ nghèo, các gia đình dân tộc thiểu số khó khăn. Họ tận tình hướng dẫn bà con cách vay vốn nhanh chóng, thuận lợi, và chi tiết trong cách sử dụng vốn để đạt hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, NHCSXH huyện không ngừng cải tiến phương thức tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã và mạng lưới Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại từng thôn xóm, cụm dân cư. Nhờ vậy, tại Trấn Yên, không có hộ nghèo nào đủ điều kiện vay vốn mà lại không nhận được hỗ trợ từ nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau.

Khơi thông dòng vốn tới từng hộ dân

Dòng vốn chính sách này đã được khơi thông và luân chuyển đều đặn, thấm sâu vào lòng đất, lòng người như "mưa dầm thấm lâu," để từ đó, sự no ấm bền vững đã nảy mầm và lan tỏa trong từng vùng quê khó khăn.

Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách nhiều hộ gia đình ở miền núi Trấn Yên vươn lên thoát nghèo, xây dựng sinh kế bền vững.

Tại xã Hồng Ca - nơi từng là xã đặc biệt của huyện Trấn Yên với đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 88% dân số nhưng nay có nhiều thay đổi, diện mạo thôn bản khang trang, nhất là có sự chuyển biến rõ về ý thức, ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân.

Phó chủ tịch UBND xã Hồng Ca, ông Hà Cao Luận cho biết, trong các chương trình dự án, giải pháp thực hiện công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng dân tộc thì không gì sánh bằng việc tập trung nguồn vốn chính sách đầu tư làm động lực chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Nhờ đồng vốn chính sách, toàn xã Hồng Ca đã phát triển được 3.500 ha quế, 1.400 măng tre bát độ kết hợp trồng dưới tán rừng, 105 ha cây ăn quả cam, quýt, hồng không hạt. Hồng Ca bây giờ cũng có gần 100 hộ người Mông “hạ sơn” sử dụng hàng tỷ đồng vốn vay NHCSXH huyện Trấn Yên để đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế.

Mô hình trồng bưởi của người dân.

Trong đó, gia đình bà Sùng Thị Hoa (thôn Khuôn Bổ) là một ví dụ điển hình. Gia đình bà đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn chính sách mua bò sinh sản, trồng lúa nước nên đã có cuộc sống ổn định, chấm dứt cảnh du canh du cư, đói khát nhọc nhằn.

Vốn là một lão nông ở trong vùng sâu nhưng có ý chí vượt khó, siêng năng, ông Giàng A Chứ (thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành), đã quyết tâm sử dụng hàng trăm triệu đồng vốn vay của NHCSXH đầu tư trồng quế, trồng măng tre bát độ và lập xưởng dệt thổ cẩm. Mấy năm qua, rừng cây xanh tốt, sản phẩm dệt truyền thống tiêu thụ nhanh giúp kinh tế gia đình ông khấm khá, trả hết nợ vay, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 4 lao động tại chỗ.

Những kết quả này cho thấy, Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư, đã tăng cường năng lực hoạt động cho NHCSXH, tạo đà tăng trưởng nhanh, bền vững nguồn vốn tín dụng chính sách. Giám đốc NHCSXH huyện Trấn Yên, Nguyễn Thị Bích Ngân khẳng định: "Phát huy thành tích, khắc phục hạn chế, khó khăn, đội ngũ cán bộ, nhân viên tín dụng chính sách trên miền núi Trấn Yên tiếp tục bám sát các chính sách, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của ngành và địa phương, tập trung huy động nguồn vốn, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng của Nhà nước, góp phần thiết thực thúc đẩy quê hương trở thành cực tăng trưởng mới phía nam tỉnh Yên Bái”.

Đọc thêm