Tín dụng chính sách giúp người dân miền núi A Lưới thoát nghèo

(PLO) - Tín dụng chính sách là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhờ vốn vay từ NHCSXH huyện đến nay hộ gia đình trên địa bàn huyện A Lưới đã vươn lên thoát nghèo (trong ảnh mô hình nuôi bò của chị Nguyễn Thị Phôn tại thôn 4, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới)
Nhờ vốn vay từ NHCSXH huyện đến nay hộ gia đình trên địa bàn huyện A Lưới đã vươn lên thoát nghèo (trong ảnh mô hình nuôi bò của chị Nguyễn Thị Phôn tại thôn 4, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới)

A Lưới là một huyện miền núi biên giới của tỉnh TT- Huế, là vùng đất có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống như: Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều. Đa số các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những vùng xa, vùng biên giới – nơi có vị trí chiến lược, quan trọng của tỉnh, thế nhưng điều kiện sống còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã khẳng định được chức năng, nhiệm vụ trong việc chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến tận tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Là tấm gương nỗ lực vươn lên làm kinh tế thoát nghèo, năm 2013 gia đình chị Nguyễn Thị Phôn (tại thôn 4, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới) là một trong những gia đình nghèo trong thôn. Sau đó, gia đình chị Phôn được vay vốn vay ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo với số vốn 20 triệu để chăn nuôi. Từ số vốn đó, gia đình chị Phôn đã mở rộng mô hình chăn nuôi gà, lợn và bò. Đến nay, mỗi năm trừ chi phí chăn nuôi, gia đình chị Phôn thu lãi từ 40 đến 60 triệu đồng. Bên cạnh chăn nuôi, chị Phôn còn đầu tư mở rộng diện tích trồng cây keo để phát triển kinh tế gia đình.

“Nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện, nay gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo. Năm 2017 mô hình chăn nuôi của gia đình tôi được thôn bản tín nhiệm và hội LHPN xã chọn là mô hình làm ăn tiêu biểu của xã Hồng Quảng”- chị Phôn cho hay.

Tại thôn 4, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới còn có nhiều hộ gia đình đã vươn lên thành hộ hộ khá giả nhờ mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rừng của Chị Lê Thị Phước chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn trong xã, năm 2015  tôi, Hội LHPN xã bình xét cho vay vốn 50 triệu chương trình hộ nghèo để mở rộng mô hình nuôi heo nái và nuôi bò sinh sản. Sau hơn 3 năm chăn nuôi đến nay gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu về khoảng ừ 55-70 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi cũng đã mở rộng diện tích trồng cây keo để tăng thêm nguồn thu nhập”.

Theo số liệu từ NHCSXH huyện A Lưới cho biết, tính đến 22/11/2018, dư nợ ủy thác thông qua các Hội đoàn thể đạt 321.274 triệu đồng, chiếm 99,95% tổng dư nợ toàn PGD, trong đó nợ quá hạn là 227 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,07% với 224 tổ TK&VV.

Ông Lê Quang Thắng- Giám đốc NHCSXH huyện A Lưới cho biết, bên cạnh những chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là một trong các đối tượng được vay vốn và được tiếp cận hầu hết các chương trình tín dụng chính sách. Xác định rõ đây là cơ hội để giúp đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vượt qua đói nghèo.

Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Phòng giao dịch NHCSXH huyện quán triệt tinh thần đến với cán bộ nhân viên trong đơn vị; lập kế hoạch triển khai, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, với các ban, ngành, hội đoàn thể trên địa bàn nhằm cụ thể hóa để thực hiện Chỉ thị một cách có hiệu quả, thiết thực.

‘Trong thời gian tới, ngân hàng tiếp tục tham mưu Lãnh đạo, Chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị 40, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả”- ông Thắng nhấn mạnh. 

Đọc thêm