Hơn 735 ngàn gia đình có nhà ở kiên cố từ “trợ lực” của vốn chính sách
Thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội (NOXH) như: Luật Nhà ở 2014, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý NOXH, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định (QĐ) về các chương trình: hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng (QĐ số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013); hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn (QĐ số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 và QĐ số 33/2019/QĐ-TTg ngày 14/11/2019); hỗ trợ nhà ở bão lụt miền Trung (QĐ số 48/2014/QĐ-TTg ngày 10/8/2014); nhà ở ngập lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (QĐ số 714/QĐ-TTg ngày 14/6/2018 và QĐ số 319/QĐ-TTg ngày 01/3/2020); Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” trong đó có hỗ trợ nhà ở cho công nhân khu công nghiệp (QĐ số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 và QĐ số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020)…
Số liệu của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, trong hơn 18 năm thành lập và phát triển, NHCSXH đã và đang thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách nói chung, trong đó có 04 chương trình tín dụng về nhà ở với tổng doanh số cho vay đạt 12.542 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 735 ngàn căn nhà, căn hộ NOXH; dư nợ đạt 9.336 tỷ đồng với 394 ngàn hộ còn dư nợ, nợ quá hạn chỉ có 21,46 tỷ đồng.
Riêng trong 10 năm qua (2011 – 2020), nguồn vốn tín dụng chính sách giúp xây dựng gần 43,5 nghìn căn nhà tránh bão, vượt lũ cho hộ gia đình vùng miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long, gần 327 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, gần 13 nghìn căn NOXH.
Cần chính sách mạnh mẽ để phát triển NOXH
Bộ Xây dựng cho rằng, các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, NOXH, hộ gia đình sống tại vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai như bão, lũ, lụt... có ý nghĩa tổng hợp về kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, giúp nhiều đối tượng chính sách xã hội tạo lập được chỗ ở, “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, thông qua việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng theo đúng chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở”.
Theo Bộ Xây dựng, bên cạnh những kết quả đạt được, tiến độ thực hiện của các Chương trình hỗ trợ nhà ở còn chậm, chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra về tiến độ, số lượng cần hỗ trợ. Việc chậm tiến độ so với kế hoạch có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về việc đảm bảo nguồn vốn cho các chương trình từ ngân sách trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, mức cho vay tương đối thấp, khiến người dân không đủ kinh phí để làm nhà. Các địa phương thuộc Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long không cân đối bố trí được nguồn vốn để xây dựng cụm tuyến dân cư để di dời. Nhiều dự án NOXH không thể triển khai do thiếu vốn…
Để tín dụng chính sách xã hội về nhà ở ngày càng mang lại lợi ích thiết thực, đóng góp nhiều hơn trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng đề xuất, bên cạnh việc bổ sung, tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước còn cần huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, huy động trong nhân dân. Cùng với hoàn thiện hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay đối với các dự án NOXH và người dân thì cũng cần có các cơ chế, chính sách mạnh mẽ, phù hợp hơn nữa để tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền các địa phương trong việc phát triển NOXH cũng như để đủ sức hấp dẫn nhằm khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào phát triển NOXH.
Bộ cũng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện, bổ sung cơ chế hỗ trợ trực tiếp, tăng mức hỗ trợ và mức vay tín dụng ưu đãi, mở rộng đối tượng... đối với một số chương trình hỗ trợ nhà ở cụ thể, trong đó, đưa các chương trình hỗ trợ nhà ở vào Danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn hoặc lồng ghép với các Dự án, Chương trình mục tiêu khác để đạt được hiệu quả cao hơn trong quá trình thực hiện công tác an sinh xã hội. Đồng thời, ưu tiên cân đối thêm vốn cho NHCSXH để thực hiện cho vay NOXH.