Tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán

(PLVN) - Chỉ trong vòng 2 ngày sau cuộc họp với các đơn vị liên quan, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 127/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018, trong đó giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính khẳng định, Thông tư 14 là một nỗ lực lớn từ phía các cơ quan quản lý với mong muốn phát đi tín hiệu tích cực hỗ trợ TTCK trong giai đoạn hiện nay.

“Sau khi rà soát các mức giá dịch vụ Sở GDCK và Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) hiện đang thu trên TTCK cơ sở và TTCK phái sinh, chúng tôi đã đánh giá và thực hiện điều chỉnh các loại giá dịch vụ theo hướng không thu hoặc giảm giá đối với những dịch vụ có phạm vi tác động rộng trên toàn thị trường, các loại giá dịch vụ tác động trực tiếp tới tổ chức phát hành, nhà đầu tư (NĐT) đồng thời cũng xét tới khía cạnh cân đối giữa lợi ích của đối tượng sử dụng dịch vụ và đối tượng cung cấp dịch vụ là 2 Sở GDCK, VSD...” - ông Tuấn cho hay.

Cụ thể, với nhóm dịch vụ giảm 10% (tập trung vào các dịch vụ liên quan đến giao dịch và lưu ký chứng khoán của NĐT như dịch vụ giao dịch trên thị trường cơ sở, thị trường phái sinh; dịch vụ lưu ký chứng khoán), ông Tuấn cho biết, đây là các dịch vụ tác động đến toàn bộ thị trường, mặc dù theo đánh giá thì mức giá của các dịch vụ này hiện đang phù hợp, thậm chí là thấp so với các mức thu tại các thị trường trong khu vực, đồng thời cũng là mức giá đã được điều chỉnh giảm khi ban hành Thông tư 127.

“Tuy nhiên, xét tới khía cạnh hỗ trợ NĐT trên diện rộng thì việc giảm nhóm dịch vụ này tôi tin sẽ có tác động tích cực tới hoạt động đầu tư của các NĐT, từ đó hỗ trợ TTCK trong giai đoạn hiện nay...” - Cục trưởng Cục Quản lý Giá khẳng định.

Với nhóm dịch vụ giảm từ 15-20% (tập trung vào nhóm dịch vụ cung cấp trên TTCK phái sinh như dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ), ông Tuấn cho biết, mặc dù các mức giá này cũng mới đưa vào áp dụng từ 15/2/2019 sau thời gian đầu triển khai TTCK phái sinh chưa thu giá dịch vụ nhưng Bộ Tài chính vẫn xem xét để điều chỉnh giảm cho phù hợp. Theo đánh giá, việc hỗ trợ giá dịch vụ cho TTCK phái sinh cũng khuyến khích NĐT nắm giữ các sản phẩm trên thị trường này với mục đích hỗ trợ phòng ngừa rủi ro khi thị trường cơ sở có biến động giảm.

Với nhóm dịch vụ giảm từ 30-50% (tập trung vào các dịch vụ cung cấp cho các tổ chức phát hành như dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh), nhằm hỗ trợ các DN này trong việc sử dụng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và NĐT.

 Ngoài ra, một số loại giá dịch vụ quy định theo hướng không thu - miễn hoàn toàn (bao gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống VSD; đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ) để hỗ trợ các DN, tổ chức kinh doanh chứng khoán trong giai đoạn tình hình sản xuất, kinh doanh của DN và cung ứng dịch vụ chứng khoán cho khách hàng của các tổ chức này chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Vẫn theo ông Tuấn,  phạm vi các dịch vụ được giảm giá lần này là khá rộng, mức giảm giá đã được thảo luận, cân đối nhằm hỗ trợ tối đa cho thị trường. “Khi Thông tư được ban hành và có hiệu lực ngay sẽ là điểm sáng cho thị trường trong giai đoạn khó khăn hiện nay...” - ông Tuấn khẳng định và cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ sẽ áp dụng tại các Sở GDCK và VSD nên trước mắt sẽ làm giảm trực tiếp nguồn thu từ các đơn vị này. Tuy nhiên, các đơn vị này rất ủng hộ chủ trương trên và sẵn sàng giảm nguồn thu để hỗ trợ thị trường.

Đọc thêm