Sáng 14/9 – ngày làm việc thứ ba của phiên họp thứ 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Đề án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp |
Không ngại ảnh hưởng đến sự quyết đoán của cán bộ
Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sẽ do Quốc hội và HĐND tiến hành tại phiên họp toàn thể của các cơ quan này. Theo đó, định kỳ lấy phiếu tín nhiệm cũng được thể hiện theo hai phương án. Một là theo định kỳ hàng năm theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, cụ thể là vào kỳ họp Quốc hội, HĐND đầu tiên của năm tiếp theo năm được đánh giá tín nhiệm. Phương án hai lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ vào thời gian giữa và cuối nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND các cấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đều cho rằng chỉ cần lấy phiếu tín nhiệm hai lần một nhiệm kỳ thôi, song kết quả phải đáp ứng được yêu cầu của cử tri. Ông Hiển phân tích: “Năm nào cũng lấy, sẽ xảy ra mặt trái là bản thân người được lấy phiếu nhiều có khi tính quyết đoán, kiên định của người ta bị giảm sút. Chúng ta phải lấy phiếu tín nhiệm, nhưng nên 2 năm một lần thế là đã khiếp rồi, chứ không nên năm nào cũng làm”.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại quan niệm nên tiến hành hàng năm, vì cũng không có gì phức tạp và đúng theo tinh thần nghị quyết của Đảng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng tán thành là thời điểm lấy phiếu tín nhiệm cần thực hiện hàng năm.
“Chúng ta tập cho quen dần và xem đây là việc thường xuyên, khó khăn vài năm đầu sau đó sẽ bình thường. Nếu không, mãi mãi chúng ta không làm được và cũng không nên lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tính kiên định, quyết đoán trong điều hành của những người thuộc diện lấy phiếu”.
Ba mức đánh giá hay chỉ “Có hoặc không”?
Theo dự thảo Đề án, có ba mức độ đánh giá tín nhiệm là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Đồng ý với ông Hiển và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng cho rằng chỉ cần có hai mức độ là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, đảm bảo mục đích đơn giản và rõ ràng. “Chỉ nên “có” hay “không” chứ không nên có nhiều phương án, và quy trình càng đơn giản càng tránh rơi vào hình thức”, ông Hằng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị lượng hóa tiêu chí vì chưa chắc phiếu cao đã làm việc giỏi.
Về mức độ công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ông Lý cho biết phương án thứ nhất tại Đề án là thông báo rõ mức độ tín nhiệm và tỷ lệ phiếu cụ thể của từng người. Kết quả này được Quốc hội, HĐND ghi nhận trong nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm và là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm khi cần thiết.
Phương án khác là chỉ công bố mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu mà không công bố cụ thể tỷ lệ phiếu của từng người và kết quả này chỉ sử dụng làm tiêu chí tham khảo, phục vụ cho công tác bố trí, sử dụng cán bộ của Đảng nhằm bảo đảm nguyên tắc thận trọng, linh hoạt trong công tác cán bộ.
Nhiều đại biểu khẳng định nên công khai nội dung trên. Đây cũng là ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, “tín nhiệm cao hay thấp cần công bố hết, và sau đó cân nhắc nhiều yếu tố khác nữa rồi quyết định đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm hay không”. Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đồng ý chỉ để hai mức tín nhiệm hay không tín nhiệm, và phải làm chặt chẽ hơn, thận trọng để đảm bảo chắc chắn, khách quan, trung thực.
“Khi đã quyết định bỏ phiếu bất tín nhiệm rồi mà dưới 50% thì trong kỳ họp ấy của Quốc hội phải làm luôn việc bãi nhiệm, miễn nhiệm, thậm chí có thể có cả câu chuyện phải từ chức nữa” – Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, giữa lấy phiếu và bỏ phiếu là các bước làm nhằm chặt chẽ, dân chủ và công khai trong công tác cán bộ. Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò ý kiến; bỏ phiếu là để giữ hay bỏ một vị trí, chức danh nào đó; thăm dò là một bước để đưa sang bỏ phiếu, bỏ phiếu rồi còn phải làm thủ tục bãi nhiệm. Hàng năm, chúng ta tỏ thái độ thăm dò, thể hiện mức tín nhiệm của mình nhưng phiếu tín nhiệm hằng năm không đủ để bãi nhiệm một chức danh nào đó; thăm dò hai năm nếu cán bộ đó không đủ tín nhiệm thì phải làm thủ tục bỏ phiếu, bãi nhiệm. Vì thế, thăm dò, lấy phiếu tín nhiệm đơn giản hơn bỏ phiếu nhưng đây là bước lấy kết quả thăm dò để đưa sang bỏ phiếu. Bỏ phiếu thì quy trình chặt chẽ hơn, hậu quả nặng nề hơn vì bỏ phiếu chỉ còn hai mức: tín nhiệm hay không tín nhiệm. |
Hoàng Thư