Trong một nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã để 9 con khỉ nhiễm COVID-19 - căn bệnh do virus corona chủng mới gây ra. Sau khi chúng hồi phục, nhóm nghiên cứu đã tiếp xúc với virrus một lần nữa nhưng các con vật này không bị bệnh.
Các phát hiện cho thấy những con khỉ thí nghiệm "phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên bảo vệ chống lại phơi nhiễm" - Tiến sĩ Dan Barouch, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu về Virus học và Vắc-xin tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconness của Harvard (Mỹ) - cho biết. "Đó là tin rất tốt," Barouch nói.
Một số nhóm nghiên cứu đã công bố các nghiên cứu (đa số chưa được đánh giá chuyên môn) cho thấy rằng một loại vắc-xin chống lại virus sẽ có hiệu quả ở động vật.
Trong nghiên cứu thứ hai, Tiến sĩ Barouch và các đồng nghiệp đã thử nghiệm 25 con khỉ với sáu loại vắc-xin nguyên mẫu để xem các kháng thể được tạo ra trong phản ứng có bảo vệ hay không. Sau đó, họ tiếp xúc với những con khỉ và 10 động vật đối chứng với SARS-CoV-2.
Tất cả các động vật đối chứng đều cho thấy mức độ virus cao ở mũi và phổi, nhưng ở những động vật được tiêm phòng, "thấy một mức độ bảo vệ đáng kể", Tiến sĩ Barouch cho biết. Tám trong số các động vật được tiêm phòng đã được bảo vệ hoàn toàn.
Những nghiên cứu này, đã được đánh giá chuyên môn, không chứng minh được rằng con người cũng có thể phát triển khả năng miễn dịch như vậy hoặc xác định được khả năng miễn dịch có thể kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, "những dữ liệu này sẽ được coi là một tiến bộ khoa học đáng hoan nghênh", Tiến sĩ Dan Barouch nói.