Rao tin một đằng, trả lương một nẻo
Những ngày qua, thông tin “kêu cứu” của các gia đình 4 lao động ở Thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) khi họ bị mất liên lạc với con em của mình ngay sau khi những người này đến TP. Đà Lạt lao động theo tờ rơi quảng cáo gây xôn xao trên mạng xã hội. Nhận được thông tin, phóng viên PLVN đã đến địa phương và tìm về nhà của các lao động để tìm hiểu cụ thể sự việc.
Tại buổi làm việc, ông Hồ Đức Khánh (SN 1966, trú tại thôn Tích Tường, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cha của lao động Hồ Quang Đạt (20 tuổi) không giữ được bình tĩnh và liên tục khóc khi nói về đứa con trai thứ hai.
Bởi đã 2 ngày trôi qua mà gia đình ông vẫn không thể liên lạc được với Tú. Nỗi lo sợ con trai đã gặp chuyện gì không hay ở nơi đất khách càng khiến ông Khánh như ngồi trên... ngọn cây.
Đơn trình báo của anh Hồ Đức Tân về việc bị lừa đảo |
Theo lời ông Khánh thì trước đó mấy hôm con trai đầu của ông là anh Hồ Đức Tân (SN 1993) đọc được tờ quảng cáo cần tuyển 30 nam - nữ làm vườn chăm sóc hoa lương 6 triệu đồng (bao ăn ở) và 10 nữ tạp vụ văn phòng công ty lương 5 triệu đồng (bao ăn ở) làm việc tại TP. Đà Lạt. Bên trên tờ rơi có đề tên Công ty Cổ phần Hoa Việt (địa chỉ số 4, đường Trần Hưng Đạo, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cùng số điện thoại đi kèm để liên hệ là 09871938... của người tên Tuấn nên gửi thông tin sang cho anh Hồ Xuân Cường (SN 1987, cháu ruột của ông).
Sau đó, anh Cường rủ thêm 3 người bạn là Hồ Quang Đạt, Phạm Bá Hợp (17 tuổi) và Võ Thanh Tú (20 tuổi) liên hệ thử với công ty này. Qua điện thoại, phía công ty Cổ phần Hoa Việt (theo lời ghi trên tờ rơi) hứa hẹn sẽ trả lương cao, việc làm tốt, nên 15h chiều ngày 22/7, cả 4 người trên đã lên xe khách do Tuấn thuê (bao 1 bữa ăn) đi vào Lâm Đồng.
Đến trưa 23/6, anh Võ Thanh Tú điện về cho gia đình kể rằng 9h sáng 23/7, khi cả 4 người đến Đà Lạt thì được xe ô tô loại 12 chỗ đón đến một ngôi nhà (chưa rõ địa chỉ). Khi bước vào ngôi nhà ấy, cả 4 người bị tịch toàn bộ ví tiền, giấy tờ tùy thân và điện thoại và bị ép kí hợp đồng lao động với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.
Sau đó, 4 người bị đưa đi làm việc ở 4 nơi khác nhau, người thì đi nuôi tằm, người chăn nuôi, người làm đá, người thì phục vụ ở quán phở; đồng thời bị cấm rời khỏi nơi làm việc, nếu muốn về nhà thì phải nộp 2,6 triệu đồng/người.
Khoảng 16h30 phút ngày 23/7, anh Phan Bá Hợp điện thoại về gia đình báo rằng 16h cùng ngày anh Tú bỏ trốn khỏi nơi làm việc nhưng bị một số người truy đuổi. Những người truy đuổi đến nơi anh Phạm Bá Hợp làm việc và đe dọa là “Nếu tìm thấy anh Võ Thanh Tú sẽ giết”. Đồng thời cho hay cả 4 người trên đều bị canh giữ rất kỹ nên chỉ gọi điện, nhắn tin lén lút với thời gian rất ngắn.
Ngay sau khi trở về nhà em Phạm Bá Hợp trình bày vụ việc với PV |
“Tối 24/7, Tú có điện về cho chúng tôi, nhưng khi hỏi con đang ở đâu thì nó không trả lời được. Và sau cuộc gọi ngắn ngủi đó đến giờ gia đình không còn liên lạc được. Không biết có chuyện gì xảy ra với nó không nữa. Từ hôm biết được mấy đứa bị lừa đảo các gia đình vô cùng lo lắng. Người dân như bọn tôi không biết kêu ai, giờ chỉ mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra để đưa mấy đứa nhỏ về lại với gia đình” – ông Khánh ngậm ngùi nói.
Anh Hồ Đức Tân (anh trai Tú) cho biết thêm “Khoảng 9h sáng 26/7, gia đình tôi có nhận được tin báo là phía người chủ thuê Đạt đã lên trình báo công an địa phương rằng Tú và Đạt đã trộm 2 điện thoại di động và 1 cái laptop rồi mất tích, không rõ đi đâu. Phía gia đình tôi đang chờ đợi sự xác minh của cơ quan điều tra vì em tôi lâu nay không có thói xấu đó”.
Muốn trở về, đều phải có đủ tiền chuộc
Sau gần 20 tiếng đồng hồ trên chuyến xe đường dài thì đến 7h sáng 26/7, Phạm Bá Hợp (SN 1999, trú tại thôn Như Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, Quảng Trị) đã trở về an toàn trong sự chờ mong của người thân. Suốt 3 ngày qua, Hợp như trải qua một cơn ác mộng, lúc nào cũng thấp thỏm nỗi sợ hãi, và cứ nghĩ rằng sẽ không bao giờ được về lại quê nhà.
Hợp cho hay, vào đến nơi 4 người trong nhóm của Hợp được gặp các chủ vườn để trò chuyện, nhưng khi được biết mức lương mỗi tháng làm việc không như lời cam kết ban đầu, thì không ai đồng ý ký hợp đồng làm việc. Lúc này, Giám đốc Cty Tâm Đức Lộc lên giọng bảo, không làm việc thì mỗi người sẽ phải trả 1,7 triệu đồng (1 triệu đồng tiền môi giới việc làm, 700 nghìn đồng tiền xe cộ).
Không ai trong nhóm của Hợp có tiền để trả, nên đành chấp nhận ký hợp đồng làm việc 6 tháng với mức lương 3 triệu đồng/tháng (bao ăn ở), với 4 công việc khác nhau và cách biệt nhau.
Sau khi ký vào hợp đồng, một thanh niên bặm trợn đến thu ví (giấy khai báo tạm trú, 500 nghìn đồng) và 2 điện thoại rồi chở Hợp đến quán phở Thưng số 2/8 (đường Nguyễn Văn Cừ, TP. Đà Lạt) làm việc. Do công việc quá sức, ăn uống không đảm bảo nên Hợp ngỏ ý xin chủ quán nghỉ việc. “Họ bảo mua em từ Cty Tâm Đức Lộc về làm với giá 2.550.000 đồng, muốn về thì nộp đủ tiền chuộc” - Hợp nói.
Mượn được điện thoại của một người làm, Hợp lén lút gọi về cho gia đình ở Quảng Trị kể sự tình. Nhận được điện thoại của Hợp, bà Hồ Thị Nga (mẹ Hợp) vội kiếm đủ tiền, gửi vào nhà một người quen ở Đà Lạt đến nộp cho chủ quán rồi bắt xe cho Hợp về quê.
“Sau khi nộp đủ tiền, em được trả lại điện thoại và giấy tờ thì liên lạc được với Tú (đi cùng chuyến với Hợp), mới biết do không có tiền chuộc, nên Tú trốn ra ngoài. Sau đó, em không liên lạc được với Tú nữa thì mới hay Tú bị bên Cty Tâm Đức Lộc bắt được” - Hợp kể.
Ngay sau khi trở về, Hợp lập tức đến trình báo vụ việc với cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị.
Nguồn tin trên báo CAND cho biết, sau khi bỏ trốn tại nơi làm việc vào ngày 26/7 thì đến sáng 27/7, Hồ Quang Đạt và Võ Thanh Tú đã được đưa tới trình báo với Công an TP. Đà Lạt và Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng.
Riêng Hồ Xuân Cường vẫn giữ được liên lạc với gia đình, hiện tại Cường bị đau chân, không thể kham nổi công việc đang làm. Chủ nơi làm việc cũng yêu cầu Cường phải nộp đủ tiền, mới được thả cho về quê.
Vụ việc vẫn đang được Công an tỉnh Quảng Trị và tỉnh Lâm Đồng đang xác minh làm rõ.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.