Tin vui mới cho các cặp hiếm muộn: Tinh trùng bất động vẫn được làm bố

Do chất lượng “hàng hóa” quá kém, vợ chồng chị T.T.N., 27 tuổi ở Hà Nội hiếm muộn trong nhiều năm. Chỉ đến khi tới bác sĩ, hai vợ chồng mới tìm ra đáp án.

Niềm vui của gia đình hiếm muộn

Bế con 5 tháng tuổi đến BV Bưu điện, Hà Nội kiểm tra sức khỏe, chị N. vui mừng khoe với BS Nguyễn Thị Nhã - Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản: “Em bé sinh ra khi tinh trùng bất động đây ạ. Em bé trộm vía phát triển tốt”.

BS Nguyễn Thị Nhã nhớ ngay trường hợp của chị N. vì đây là ca đặc biệt với bản thân chị và Trung tâm hỗ trợ sinh sản. Tường hợp của vợ chồng N. là ca đầu tiên tinh trùng bất động mà trung tâm thực hiện. Chồng N. được xác định tinh trùng liệt đuôi, khả năng có con tự nhiên là không thể. Sau khi xác định được bệnh, cả hai vợ chồng mong muốn, quyết tâm có con nên đã nhờ các bác sĩ giúp đỡ.

“Tinh trùng yếu nhưng vẫn sinh con nhờ sự hỗ trợ của y học hiện nay đã được nhiều cơ sở y tế, trong đó có BV Bưu điện thực hiện. Nhưng tinh trùng bất động 100% thì đây là ca đầu tiên BV Bưu điện thực hiện.

Bạn cứ tưởng tượng tinh trùng xuất ra nhưng bất động, không một con nào có biểu hiện của sự sống. Các bác sĩ đã mang tinh trùng đi lọc rửa, kiểm tra bằng biện pháp Hostest xem trong số đó con nào sống. Số tinh trùng nằm im được cho vào môi trường nhược trương.

Bình thường, tinh trùng sống trong môi trường đẳng trương, nhưng khi muốn tìm con tinh trùng nào sống, con nào chết thì thả tất cả vào môi trường nhược trương. Những con sống sẽ phản ứng, cong đuôi lên. Con sống là bào tương, nhân có nhiễm sắc thể bắt màu khác.

Khi xác định được con sống, bác sĩ sẽ thực hiện bơm vào tử cung của người vợ. May mắn lần đầu thực hiện vợ chồng chị N. đã thành công. Sau 9 tháng 10 ngày, bé được sinh ra khỏe mạnh”, BS Nhã chia sẻ.

Biến không thành có

Đầu tinh trùng là nơi bám dính và xâm nhập vào trứng. Việc di chuyển và chuyển động là nhờ đuôi quẫy để đẩy tinh trùng đi như cơ chế di chuyển của con nòng nọc. Sự sản sinh tinh trùng được thực hiện trong các ống sinh tinh. Sau đó, tinh trùng di chuyển tới túi tinh và được dự trữ ở đó.

Tinh trùng trưởng thành chỉ dài 0,05 mm, nên không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, khác với tinh dịch là chất dịch bạn có thể nhìn thấy được khi xuất tinh.

Tuy nhiên, không thể dựa vào lượng tinh dịch trong mỗi lần xuất tinh nhiều hay ít, tinh dịch loãng hay đặc... để nói là có tinh trùng hay không.

Để phát hiện tinh trùng trong tinh dịch, cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ, qua đó đánh giá được số lượng, hình dạng, sự di động của tình trùng. Nếu phân tích tinh dịch không có tinh trùng, bác sĩ có thể sinh thiết tinh hoàn để phát hiện tinh trùng trong trường hợp quá trình sản sinh tinh trùng bình thường song có sự tắc nghẽn, hay vấn đề khác của việc vận chuyển tinh trùng.

Theo BS Nguyễn Thị Nhã, lâu nay khi hiếm muộn, các ông chồng thường đổ lỗi cho vợ, nhưng thực tế nhiều trường hợp do nam giới. Các điều tra đã cho thấy 40% nguyên nhân do người chồng, 40% do người vợ và 20% không rõ nguyên nhân. Nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn, vô sinh ở nam giới như một số phẫu thuật, di chứng tổn thương tủy sống... nhưng chủ yếu tinh trùng ít, tinh trùng yếu, không có tinh trùng.

Hiện một số kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được áp dụng thành công đã giúp các trường hợp nam giới hiếm muộn được điều trị thành công. Đặc biệt, nhiều trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch hay tinh trùng bất động như trường hợp của gia đình chị N. vẫn có thể làm bố. Trong trường hợp này, bệnh nhân được thực hiện thủ thuật theo chỉ dẫn của các cơ sở y tế.

Đọc thêm