Tình đồng bào mạch ngầm chảy mãi

(PLVN) - Theo khảo sát của Tổ chức Dalia Research (Đức) tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục vừa được công bố, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 của Chính phủ cao nhất thế giới.
Nghĩa đồng bào trong lòng lũ dữ.
Nghĩa đồng bào trong lòng lũ dữ.

Kết quả này không bất ngờ, bởi thời gian qua bạn bè quốc tế được chứng kiến sự đồng lòng và tinh thần “tương thân, tương ái” từ Chính phủ cho đến người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Đó chính là kết quả của ba tiếng thiêng liêng “tình đồng bào” như mạch ngầm chảy mãi trong lòng dân tộc Việt.

Những ngày này TP HCM cũng nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi, sẻ chia của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Các địa phương đã gửi về TP HCM nhiều sản phẩm của quê hương như: Vĩnh Long gửi 10 tấn nông sản; Đồng Tháp gửi tặng lương thực, thực phẩm trị giá 300 triệu đồng; Lâm Đồng gửi tặng 55 tấn rau, củ, quả… Bên cạnh các sản phẩm, nhiều địa phương còn chung tay chia sẻ khó khăn với TP HCM như Hải Phòng đã hỗ trợ khẩn cấp 10 tỷ đồng; Quảng Nam 2 tỷ đồng; Quảng Ngãi 1 tỷ đồng; Tây Ninh 1 tỷ đồng, Bến Tre 500 triệu đồng…

Tất cả mọi nghĩa tình ấy đã được kịp thời đến các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát, các cơ sở y tế và người dân gặp khó khăn trong các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo và người dân TP HCM đánh giá cao, trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình, kịp thời của các địa phương. Dẫu biết rằng nhiều địa phương còn có không ít khó khăn và một bộ phận người dân còn phải được hỗ trợ.

Ngân vang hai chữ “đồng bào”

Có lẽ từ thuở xa xưa, khi dân gian tạo nên sự tích về bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ thì mục đích không chỉ để giải thích nên nguồn gốc nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam mà đó còn là lời căn dặn của tiền nhân về một mối nghĩa tình ruột thịt và cũng là bảo vật tinh thần vô giá.

Hình như không có quốc gia nào trên thế giới có sự tích nguồn gốc “đồng bào”, ngoài Việt Nam. Có lẽ với họ, tâm thức về hai chữ “đồng bào”, nếu có thì chỉ là cách để nói về những đứa con cùng cha, cùng mẹ, cùng sinh từ một bào thai; có mối quan hệ tình cảm trong phạm vi huyết thống. Nhưng với người Việt, đồng bào là tất cả những người con đất Việt. Những người có cùng nguồn gốc từ bọc trứng của mẹ Âu Cơ, năm xưa chia nhau lên rừng, xuống biển, sinh sống và giữ gìn non sông gấm vóc ở khắp mọi miền Tổ quốc.

Nghĩa đồng bào - vũ khí để Việt Nam chiến thắng đại dịch.

Nghĩa đồng bào - vũ khí để Việt Nam chiến thắng đại dịch.

Cái tình nghĩa đồng bào ấy như một dấu gen, ẩn chứa lặng lẽ trong mỗi con người, được truyền từ đời này sang đời khác. Sự lặng lẽ ấy lại mang một sức sống mãnh liệt vô cùng. Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đã chứng minh rằng, khi đồng bào gặp nạn, khi đất nước lâm nguy thì tình nghĩa đồng bào sẽ dấy lên mạnh mẽ. Những bàn tay nắm lấy bàn tay, đan chặt vào nhau, như những thảm rễ cỏ, bền chặt đến vô cùng.

Ngược dòng thời gian, có thể thấy tinh thần “tương thân, tương ái”, nghĩa đồng bào đã có sẵn trong huyết quản của người Việt, tồn tại trong những câu ca dao, tục ngữ dân gian: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”, “Thương người như thể thương thân”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”... Rồi hai tiếng “đồng bào” khi vang lên tại Quảng trường Ba Đình vào mùa thu tháng tám năm 1945 ẩn chứa một sự xúc động lạ kỳ. Xúc động khi nghe Bác Hồ nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Xúc động khi Người kêu gọi “Hỡi đồng bào cả nước”, hừng hực khí thế lên đường đánh giặc…

Đất nước hòa bình trở lại, nhưng khó khăn đâu phải đã hết. Thiên tai, địch hoa luôn đe dọa khắp nơi và một lần nữa nghĩa đồng bào lại ngân vang trong lòng mỗi người. Nặng lòng lo lắng cho khúc ruột miền Trung bão lũ triền miên; xót xa thành phố mang tên Bác gồng mình chống dịch… Bởi nơi ấy có đồng bào, những người anh em ruột thịt cùng một mẹ Âu Cơ.

Tinh thần “tương thân, tương ái” đã trở thành căn tính dân tộc

Để làm rõ nhận định này, mới đây, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã có cuộc trao đổi với truyền thông. Theo PGS.TS Lê Thị Bích Hồng: “Đối với một dân tộc “từ thuở còn nằm nôi” đã luôn phải đối mặt với thiên tai, địch họa, dịch bệnh, chiến tranh... thì tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái” luôn hiện hữu như một phẩm tính quý báu, một cách ứng xử thông minh, cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Tinh thần “tương thân, tương ái” là một sợi chỉ xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại. Khi một người vì mọi người, mọi người vì một người, cả một dân tộc sẽ tạo thành một thể thống nhất, đoàn kết, mà đoàn kết chính là yếu tố làm nên sức mạnh. Phù Đổng Thiên Vương là một trong những truyền thuyết tiêu biểu thể hiện sâu sắc tinh thần “tương thân, tương ái” khi đất nước nguy nan.

Khi Vua Hùng Vương thứ VI ra lời hiệu triệu tìm người hiền tài ra cứu nước thì từ cậu bé 3 tuổi đến mọi tầng lớp nhân dân đều “đồng khí tương cầu” hưởng ứng lời kêu gọi. Cậu bé ấy đã lớn lên bằng cơm cà, mắm muối của dân làng Phù Đổng và nhân dân quanh vùng. Vũ khí bằng sắt mà Thánh Gióng có trong tay cũng là sự chung sức đóng góp của nhân dân. Thánh Gióng mang sức mạnh của nhân dân ra trận, được nhân dân tôn vinh bởi phẩm chất người anh hùng vì dân, vì nước và chính sức mạnh đoàn kết ấy đã làm nên chiến thắng và khiến quân thù khiếp vía, kinh hồn.

Tinh thần ấy còn được thể hiện khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945 với muôn vàn khó khăn. Cảm kích trước tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bức thư gửi đồng bào cả nước, ngay sau đó Quỹ Độc lập đã được thành lập, Tuần lễ vàng đã được phát động và các nhà tư sản đã tích cực đóng góp tiền, vàng, sản nghiệp để góp công xây dựng nước nhà non trẻ.

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tinh thần “tương thân, tương ái”, một lần nữa được thể hiện trong trách nhiệm công dân “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc” của nhân dân miền Bắc. Chính họ đã trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam, yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể thấy truyền thống “tương thân, tương ái” là một phẩm chất quý báu của dân tộc ta mà chỉ cần có điều kiện khơi gợi là tinh thần ấy bùng lên như ngọn lửa và từ những ngọn lửa nhỏ sẽ góp thành ngọn lửa lớn làm nên sức mạnh dân tộc Việt”.

Cũng theo PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, chính tinh thần “tương thân, tương ái” đã làm nên sức mạnh của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. “Bởi tinh thần đó có vai trò hết sức to lớn trong những thành công bước đầu của Nhà nước ta trước dịch COVID-19. Cần phải hiểu rằng, trong lịch sử cũng như hiện tại, Chính phủ chỉ phát ra lời kêu gọi khi gặp tình huống cấp bách và lúc này cần nhất là sự hưởng ứng của cả cộng đồng. Và, trước lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Chỉ thị của Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, từ các y, bác sĩ, chiến sĩ cho đến các cụ già, em nhỏ, ai nấy đều hưởng ứng một cách cao độ.

Rất nhiều hoạt động của Chính phủ Việt Nam như chuyến bay đón người Việt Nam ở nước ngoài về tránh dịch, miễn phí toàn bộ tiền khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 hay những gói hỗ trợ chưa có tiền lệ trị giá 62 nghìn tỷ đồng, rồi 26 nghìn tỷ đồng cho hàng chục triệu người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... đã thể hiện hình ảnh của một Chính phủ nhân văn, vì con người.

Câu nói của người đứng đầu Chính phủ: “Không có ai bị bỏ lại phía sau” đã có một sức mạnh truyền cảm hứng lớn lao đến mọi người dân. Ai nấy đều cảm thấy mình cũng có một phần trách nhiệm, muốn góp sức làm một điều gì đó cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Đó chính là sức mạnh của sự liên kết cộng đồng, của tinh thần “tương thân, tương ái” - PGS.TS Lê Thị Bích Hồng nhấn mạnh.

Đã là người dân đất Việt thì ta phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy, nhân rộng tinh thần “tương thân, tương ái”

Để tinh thần “tương thân, tương ái” luôn được duy trì, bồi đắp, theo GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam thì trước hết, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp cho mỗi người dân ý thức rõ “tương thân, tương ái” là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam ta, đã là người dân đất Việt thì ta phải có trách nhiệm giữ gìn, phát huy, nhân rộng trong cộng đồng.

Tiếp đó, trong bối cảnh hiện nay, phải chuyển tinh thần vì cộng đồng từ sự ứng phó thành trách nhiệm công dân với cộng đồng, với xã hội thông qua giáo dục tổng thể trong nhà trường, trong gia đình và ngoài xã hội. Cuối cùng, phải biết tận dụng nhiều hình thức để chuyển tải thông điệp “tương thân, tương ái” tới mỗi người thông qua hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các tổ chức quần chúng. Các biện pháp trên cần được tiến hành thường xuyên và phải được hâm nóng một cách có ý thức thông qua các đợt lễ kỷ niệm chung của đất nước và của riêng các tổ chức xã hội.

Đọc thêm