'Tinh giảm biên chế, giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi'

(PLO) - Đây là một vấn đề lo ngại trong câu chuyện giảm biên chế được  Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chia sẻ trong phiên họp Quốc hội.

Một trong những bất cập mà Bộ trưởng chỉ ra như: "Ngành nội vụ tuyển dụng không qua thi tuyển 1 công chức, 1 phòng ở cấp huyện phải lên Bộ trưởng Nội vụ, trong khi chủ tịch UBND tỉnh được giao bổ nhiệm đến GĐ sở, không qua Bộ”.

Theo đề nghị của Bộ trưởng, 1 công việc không quá 2 cấp chịu trách nhiệm, tức là 1 cấp thực hiện, 1 cấp kiểm tra giám sát. Bởi quy trình hiện nay của chúng ta quá rườm rà, phức tạp về quy trình thủ tục. 

Lấy ví dụ tiếp về một quy trình theo ông là rườm rà, Bộ trưởng dẫn câu chuyện về tinh giản biên chế. Theo quy định hiện nay, cứ 6 tháng, địa phương tổng hợp báo cáo lên Bộ, Bộ thẩm tra, sau khi có thẩm định Bộ Tài chính căn cứ vào đó cấp kinh phí. Theo đề nghị của Bộ trưởng, cần giao việc này cho địa phương làm. Bộ chỉ hậu kiểm. Quá nhiều cấp thẩm tra, thẩm định như thế này kéo dài thời gian, bộ máy rườm rà.

"Chính phủ mà lại xuống địa phương xem thừa bao nhiêu cấp phó thì đúng là không phù hợp”, Bộ trưởng nhận định. Ông cũng nhận thấy nhiều việc của các sở đều đẩy lên chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh. Do vậy theo ông, nhiệm vụ của Chính phủ, bộ ngành chỉ xây dựng thể chế, xây dựng chiến lược quy hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát. Cần phải phân cấp để ai làm sai người đó chịu trách nhiệm, "chứ không phải khi làm sai, lôi hết cơ quan này, cơ quan kia ra chịu trách nhiệm".

“Nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức thì không tinh giản được", Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

Một vấn đề Bộ trưởng cho rằng đang có sự nhầm lẫn là nhiều người đổ lỗi cho việc tăng biên chế là do vị trí việc làm. Theo ông, điều này hoàn toàn sai. Đề án vị trí việc làm "không có tội lỗi gì" trong việc tăng biên chế. Và lo ngại nhất trong việc giảm biên chế là chuyện bàn ở đâu cũng nhiệt tình, những "giảm đâu thì giảm, đừng giảm chỗ tôi”.

Đọc thêm