Diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới

Tinh thần 2/9 trong cuộc chiến chống COVID-19

(PLVN) - Lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, một lần nữa phát huy trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên một chiến sĩ trẻ đang cùng nhân dân TP HCM chống dịch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên một chiến sĩ trẻ đang cùng nhân dân TP HCM chống dịch.

"Chống dịch như chống giặc"

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vị cha già dân tộc khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; sự hy sinh to lớn, và sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết của toàn dân đã làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.

76 năm qua, bài học về sức mạnh của lòng dân, tinh thần đại đoàn kết trong thời điểm đất nước gặp nguy nan, vẫn còn nguyên giá trị. Niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, và toàn dân chung sức đồng lòng, thì sẽ tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù, dù kẻ thù xâm lược hữu hình, hay kẻ thù virus vô hình tấn công sức khỏe nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ở nước ngoài “toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.

Tại lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, Việt Nam là dân tộc có truyền thống đoàn kết, luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng mỗi khi đương đầu hiểm nguy, thách thức. Không khó khăn nào mà chúng ta không thể vượt qua.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, toàn thể dân tộc Việt Nam hàng trăm triệu trái tim chỉ 1 ý chí, một lần nữa “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải” bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tiếp tục làm nên kỳ tích mới trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; với những hành động xúc động và tự hào.

Đoàn y bác sĩ lên đường vào Nam chống dịch.Đoàn y bác sĩ lên đường vào Nam chống dịch.

Đó là hình ảnh lực lượng nơi tuyến đầu đầu chống dịch, xa gia đình, người thân vài tháng trời, sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân, xuyên ngày đêm lao vào trận chiến với gấp đôi gấp ba sức lực. Đó là những món quà của bà con năm ngoái còn đang cảnh màn trời vùng tâm lũ, nay tần tảo nâng niu từng cân gạo, bó rau, con cá… gửi tặng đồng bào vùng có dịch.

“Tất cả vì miền Nam ruột thịt”

Một lần nữa, những tiếng gọi “Tất cả vì miền Nam ruột thịt” lại xúc động thiêng liêng. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếng gọi ấy đã đưa hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, làm nên chiến thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Những ngày tháng 8/2021, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; không chỉ Quân đội, Công an, Y tế mà cả những sinh viên đang ngồi trên giảng đường đại học cũng hăng hái nô nức lên đường giúp đồng bào miền Nam chiến thắng đại dịch, “không thắng không về”.

Trong cuộc chiến chưa có tiền lệ, nhiều cán bộ, chiến sỹ, nhân viên y tế đã bị nhiễm COVID-19; thậm chí có người đã hy sinh. Nhưng khó khăn không làm họ nản chí. Sứ mệnh vì nước quên thân vì dân phục vụ, tình thương đồng bào, trách nhiệm của cán bộ Đảng viên… thôi thúc lực lượng tuyến đầu không được buông tay trong bất kỳ thời điểm nào; hoàn cảnh nào cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc một lần nữa lại được thể hiện trong phong trào các nhà tu hành cũng xông pha tham gia tuyến đầu chống dịch. Hàng nghìn nhà tu hành có đơn xung phong, nhiều cơ sở tu hành sẵn sàng xin được chuyển đổi thành nơi điều trị F0.

Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, phát huy “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, dù bà con trong nước và kiều bào gặp không ít khó khăn vì nhiều tỉnh thành giãn cách xã hội; nhưng vẫn đồng sức đồng lòng sẻ chia miếng cơm manh áo với người khó khăn; hướng về quê hương, đất nước.

Sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Đảng, Nhà nước đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất có thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết. Thủ tướng yêu cầu khi thực hiện giãn cách xã hội, người dân sẽ gặp khó khăn an sinh xã hội, nên chính quyền phải đảm bảo không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, nhất là gia đình khó khăn kinh tế, người cơ nhỡ, đối tượng yếu thế. Đồng thời đảm bảo cho người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa.

Các địa phương đã đồng loạt triển khai, đưa các gói an sinh tới tận tay người thụ hưởng. Rất hiếm khi những chính sách hỗ trợ người dân đi vào cuộc sống nhanh và quyết liệt như thế.

Nhưng nghe báo cáo là chưa đủ, để biết chính xác dân có đủ ăn, đủ mặc hay không, Thủ tướng nhiều lần xuống tận cơ sở, những nơi đang thực hiện giãn cách; để được mắt thấy, tai nghe đời sống nhân dân đang diễn ra như thế nào, để có những giải pháp tiếp theo.

Trong cuộc chiến với COVID-19, Chính phủ xác định tiêm chủng toàn dân để tiến tới miễn dịch cộng đồng nhằm chiến thắng đại dịch. Trong cuộc chiến này, niềm tin và sức mạnh đoàn kết nhân dân cũng chính là một “vaccine tinh thần” vô cùng quan trọng, giúp dân tộc vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. Thực tế này càng cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa sâu sắc và giá trị của bài học lịch sử trong Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn mãi mãi tỏa sáng: Với sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân; không có khó khăn nào không thể vượt qua.

Đọc thêm