Những tinh thần trên đã được nêu ra tại Nghị quyết 44/NQ-CP ngày 5/4/2024. Theo đó, 5 quyết tâm là: Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn; thực hiện không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, thúc đẩy phòng, chống tiêu cực lợi ích nhóm; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng.
5 bảo đảm là thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát; bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường; bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ 1/7/2024; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, an dân.
5 đẩy mạnh là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.
Để góp phần thực hiện và cụ thể hóa các tinh thần trên, trong Nghị quyết 65/NQ-CP, Chính phủ đã chỉ ra một số giải pháp cụ thể. Đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt, thu hút mọi nguồn lực xã hội. Thu hút đầu tư FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
Với vấn đề tín dụng, xây dựng, tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí tiếp cận vốn tín dụng cho DN, người dân. Có giải pháp khơi thông gói tín dụng nhà ở xã hội (NƠXH) 120 nghìn tỷ đồng; xử lý hiệu quả nợ xấu, các tổ chức tín dụng yếu kém, ngân hàng kiểm soát đặc biệt. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án NƠXH, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua NƠXH.
Một giải pháp liên quan ngân sách nhà nước, là triển khai các giải pháp thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, khai thác các nguồn thu còn dư địa. Kiểm soát chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi, để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Với vấn đề mà gần như người dân nào cũng quan tâm là giá cả, Chính phủ yêu cầu ổn định thị trường, giá cả, nhất là với các hàng hóa thiết yếu, nhà ở, lương thực, thực phẩm, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tăng cường kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Một yêu cầu đáng lưu ý khác, là bảo đảm nguồn cung xăng dầu, kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; sẵn sàng phương án cung ứng, chủ động để bảo đảm cung cấp điện, ứng phó các kịch bản có thể xảy ra, nhất là cao điểm nắng nóng.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường; căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt; kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng chưa ổn định, sức ép lạm phát và lãi suất ở một số nền kinh tế có thể tiếp tục duy trì ở mức cao. Nhưng với những tinh thần Chính phủ đã nêu rõ trong Nghị quyết 44/NQ-CP và những giải pháp cụ thể tại Nghị quyết 65/NQ-CP; tin rằng kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy và đời sống người dân ngày càng được nâng cao từ những chủ trương, giải pháp đúng đắn.