"Tình thương" và định nghĩa của một doanh nhân chơi kèn saxophone

(PLO) - Tình thương - một danh từ mà khi nhắc đến nghe rất đỗi quen thuộc, ấy vậy nhưng lại không dễ cắt nghĩa. Nó đồng thời cũng là “cột sống” cho hai tập sách của nghệ sĩ, doanh nhân Hà Huy Thanh.

Tình thương dưới góc nhìn của doanh nhân chơi kèn saxophone 

Tác giả đã dành tới năm trong tổng cộng mười ba chương, chỉ để nói về định nghĩa “Tình thương” của Hà Huy Thanh. Nó được cấu thành bởi 3 yếu tố: Thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp. Những chương còn lại của quyển mang tính liên kết những yếu tố trên với cuộc sống hàng ngày.

Cách viết của anh khá logic khi tìm cách giải nghĩa cách mình hiểu về Tình thương, sau đó mới “ứng dụng” nó vào những trường hợp, câu chuyện cụ thể hơn. Tuy nhiên, cách viết kiểu “sách giáo khoa” này có thể sẽ khiến bạn hơi buồn ngủ khi bắt đầu đọc những chương đầu tiên.

Người đọc khá bất ngờ khi thấy một người mới chỉ ngoài 35 tuổi như Hà Huy Thanh lại có kiến giải khá sâu về cuộc sống. Những điều hiển nhiên như ánh sáng mặt trời, không khí để thở là những ví dụ thú vị mà ta có thể nhớ ngay.

Trao tình thương, nhận hạnh phúc
Trao tình thương, nhận hạnh phúc 

Ba, bốn chương tiếp theo hẳn là khi tác giả bắt đầu “vào form”, thông qua nội dung, người đọc có thể thấy một người tràn đầy nhiệt huyết và năng lượng khi chia sẻ những sự liên kết, cầu nối của tình thương với cuộc sống, những sự vật, sự việc diễn ra hàng ngày.

Lúc này, thông qua những ví dụ thực tế, pha chút hài hước, nội dung đã có phần “đúng tuổi” hơn là những định nghĩa có phần khô khan ban đầu. Đây cũng là những chương mà ở đó thấy được tình thương ở gần gũi hơn và những ví dụ của tác giả hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến những điều sẽ làm sau này ở trong cuộc sống, gia đình hay nơi làm việc. Đó có lẽ chính là “Kiến tạo giải pháp” mà tác giả nói tới.

Những chương có phần vĩ mô, khi mà tình thương được đẩy lên ở tầm quốc gia, toàn cầu, hoặc một sứ mệnh về tình thương. Những chương này đòi hỏi người đọc có một phông nền kiến thức dày dặn hơn, để biến chuyện to lớn thành chuyện thường ngày.

Thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp, như định nghĩa Tình Thương của chính tác giả, đây có thể coi là một thành công của Hà Huy Thanh
Thấu hiểu, chia sẻ và kiến tạo giải pháp, như định nghĩa Tình Thương của chính tác giả, đây có thể coi là một thành công của Hà Huy Thanh

Việt Nam - Quốc gia của Tình thương

Tác giả Hà Huy Thanh đã làm mới bình rượu của mình với nhiều ví dụ sát sườn hơn, xúc tích hơn, khiến cho người đọc có thể hiểu nhanh hơn về Tình Thương theo cách nhìn của Hà Huy Thanh trong 8 chương, đặc biệt là trong một quyển sách có khổ khá nhỏ cỡ A6. Yếu tố tâm linh, Phật giáo cũng được tác giả phân tích rõ hơn, đây cũng là một yếu tố thú vị, bởi theo tháp nhu cầu con người Maslow, tâm linh được đặt ở tầng thứ cao nhất. Cách anh diễn đạt tình thương theo góc nhìn Phật Giáo cũng làm cho người đọc cảm thấy mối duyên giữa yếu tố tâm linh và tình thương. 

 

Việc một tác giả mới chỉ ngoài 35 viết về một chủ đề “khó nhằn”, thường chỉ dành cho những người có số tuổi gấp đôi, như Tình Thương, hẳn sẽ làm nhiều người tò mò về quyển sách này.

Một “Tình thương” theo góc nhìn của Hà Huy Thanh, vẫn có đạo lý, sự trẻ trung và giàu năng lượng. Không chỉ dừng lại ở “thấu hiểu” và “chia sẻ”, tác giả còn muốn nói nhiều hơn đến vấn đề “kiến tạo giải pháp”. Với sức trẻ dồi dào cộng với tư duy doanh nhân, anh còn có thể mang tới nhiều giải pháp thực tế và thức thời hơn là những người cao tuổi.

Và có lẽ, chúng ta không cần phải đợi khi già thi mới nghĩ đến “Tình thương”.

Đọc thêm