Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề còn khá nghiêm trọng

(PLO) - Sáng nay (30/10), Quốc hội mở đầu phiên chất vấn với việc nghe báo cáo thực hiện các Nghị quyết về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ.
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh phúc trình bày báo cáo

Tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng

Trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt.

Việc ban hành các nghị định, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của một số Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đang được triển khai. Cơ chế một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả.

Nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa. Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ, hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm đầu tư. Nghị định mới về đánh giá và phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức đang được nghiên cứu xây dựng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được tăng cường. 

Tuy nhiên, Báo cũng đánh giá, việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm. Số đầu mối không tăng nhưng chưa được sắp xếp tinh gọn. Chưa ban hành tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Một số nội dung trong báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ hoặc không đánh giá việc thực hiện các nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội như: việc ban hành văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành; việc rà soát, chuyển một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công thuộc ngành lĩnh vực nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đảm nhiệm; việc rà soát, sắp xếp lại các tổ chức phối hợp liên ngành, ban quản lý dự án...

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Báo cáo nêu, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn đã được Chính phủ quan tâm hoàn thiện. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục được rà soát, đánh giá. Nhiều giải pháp kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường được tổ chức thực hiện.

Công tác tiếp nhận thông tin, phản ánh kiến nghị về ô nhiễm môi trường được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường được chú trọng. Nhiều vụ việc trọng điểm về ô nhiễm môi trường đã được xử lý.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các cụm, khu công nghiệp tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. Công tác bồi thường, ổn định sản xuất và đời sống người dân trong vùng bị thiệt hại tại các tỉnh miền Trung được quan tâm. Cơ sở dữ liệu về môi trường làng nghề trong cả nước đã được xây dựng. Quy hoạch về khoáng sản đã được rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Độ chính xác, tin cậy của các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng cao.

Tuy nhiên, Báo cáo chỉ rõ, một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường chưa được sửa đổi kịp thời. Số quy chuẩn kỹ thuật địa phương còn ít. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hạn chế. Việc di dời, hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp còn chậm.

“Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề còn khá nghiêm trọng, chế tài xử lý chưa nghiêm. Một số lĩnh vực chuyên sâu trong hệ thống về lĩnh vực khí tượng thủy văn chưa có quy định điều chỉnh. Văn bản quy phạm pháp luật về biến đổi khí hậu còn thiếu, chưa đồng bộ”, Báo cáo nêu.

Đọc thêm