Quốc hội khóa XIII Kỳ họp thứ 2 hôm qua thảo luận và cho ý kiến về nội dung Dự thảo Luật tố cáo.
|
Các đại biểu thảo luận Luật tố cáo tại hội trường |
Luật này quy định về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và giám sát công tác giải quyết tố cáo.
Cần bảo vệ người tố cáo
Trong 13 nhóm ý kiến, một số đại biểu đã tập trung cho ý kiến về chủ thể tố cao; hình thức tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo; thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ…
Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng, quyền và nghĩa vụ của người tố cáo (Điều 9) tuy đã có quy định nhưng cần phải có quy định thêm nội dung “các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo có trách nhiệm giữ bí mật cho người tố cáo” cho phù hợp với Điều 36 của Luật này.
Đối với việc tố cáo nặc danh, nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến tán thành cần khẳng định ngay trong Luật tố cáo “không tiếp nhận và giải quyết đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo”. Một số ý kiến khác lại đề nghị, cần có cơ chế xem xét, xử lý đối với những tố cáo nặc danh nhưng có nội dung cụ thể, rõ ràng để tránh tình trạng bỏ lọt thông tin tố cáo, không xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong dự thảo, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém cả thời gian và công sức cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết. Về việc này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, cần xem xét lại một vài ý trong nhận định này. Trong thực tế, có một số tố cáo tuy không rõ địa chỉ người tố cáo, nhưng lại cung cấp thông tin chính xác, qua đó giúp cơ quan chức phát hiện xử lý sai phạm.
Đại biểu Phương đặt câu hỏi “Vì sao họ không đứng tên để tố cáo?” và tự lý giải rằng, “vì người tố cáo có thể bị trù dập”. Chẳng hạn, trong một số cơ quan khi biết rõ thủ trưởng và một vài người có chức vụ có hành vi tham ô hoặc cố ý làm trái…, có ai dám đứng ra trực tiếp tố cáo không?. Đại biểu Phương cho rằng, nếu có việc tố cáo này, thì “trong cơ quan không khí làm việc rất nặng nề”...
Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng tố cáo nặc danh vừa phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo vừa có quy định xử lý nghiêm những người lợi dụng việc tố cáo, tố cáo nặc danh không đúng sự thật để hạ uy tín, bêu xấu cán bộ…
Không chấp nhận tố cáo qua mail, fax và điện thoại
Về hình thức tố cáo, Điều 19 của dự thảo quy định: “Người tố cáo tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ bằng các hình thức: tố cáo trực tiếp; gửi đơn tố cáo qua bưu điện”. Việc này, có một số đại biểu có ý kiến đề nghị bổ sung thêm hình thức gửi đơn tố cáo qua thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, trong tình hình bùng nổ thông tin như hiện nay, nếu quy định cho phép người tố cáo tố cáo hành vi vi phạm pháp luật bằng thư điện tử, fax và qua điện thoại thì sẽ không kiểm soát được, ở các thời điểm “nhạy cảm” sẽ vô cùng phức tạp…
Các thảo luận trên, Quốc hội nhận thấy, các hình thức tố cáo qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử tuy đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng, song hiện vẫn chưa được áp dụng phổ biến và đang có yêu cầu tổng kết thực tiễn để quy định chặt chẽ và cụ thể hơn, tránh bị lợi dụng để xuyên tác, vu khống, gây rối trật tự hoặt để phát tán thông tin về việc tố cáo, nhất là trên các mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước.
Do vậy, Quốc hội không bổ sung quy định tố cáo bằng hình thức như thư điện tử, fax và gọi điện thoại vào Luật tố cáo, mà tiếp tục duy trì hình thức tố cáo trực tiếp và tố cáo bằng đơn tố cáo.
Trọng Hùng