Quy định này được thể hiện ở Điều 8 - Các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội. Khoản 5 tại Điều luật này quy định rõ: Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định.
Theo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), về vấn đề này, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành quy định của dự thảo Luật, nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá Nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ (cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội), hiện nay cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động thì số lượng hội có liên kết, gia nhập, nhận tài trợ nước ngoài không nhiều; do đó, đối với các trường hợp đặc biệt này sẽ do Chính phủ quy định cụ thể là hợp lý.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, quy định này của dự thảo Luật là không phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, khép lại kênh quan hệ quốc tế rất quan trọng của ngoại giao nhân dân, mất đi cơ hội huy động và tiếp nhận một nguồn kinh phí đáng kể phục vụ hoạt động của các hội trong điều kiện hội hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự trang trải kinh phí. Việc quy định các trường hợp đặc biệt có thể dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các hội và tạo nên cơ chế xin – cho, phức tạp thêm thủ tục hành chính.
Sau khi nghiên cứu tình hình thực tế và ý kiến của các ĐBQH, Dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo loại ý kiến thứ nhất.
Trong phiên họp hôm nay, vấn đề này cũng đã được nhiều đại biểu có ý kiến. Nhiều ĐB đã cho rằng quy định như vậy là hợp lý, nhất là trong tình trạng xã hội đang có nhiều diễn biến phức tạp. Quy định như vậy sẽ đảm bảo được sự ổn định trật tự chính trị kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, một số đại biểu lại đề nghị phải quy định lại để phù hợp, mềm dẻo hơn.
ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) phát biểu: Nhận tài trợ nước ngoài là câu chuyện rất nhạy cảm. Tuy nhiên, Dự luật cần xem xét để cho nhận nếu không phương hại ảnh hưởng đến con người VN, các tổ chức an ninh, trật tự xã hội. Không nhận một cách không có chọn lọc gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
"Tôi nghĩ cần quy định chặt chẽ để hoạt động này đi vào nền nếp. Nghị định 45, Nghị định 93 cũng đã quy định về vấn đề này. Trong thời gian qua có nhiều hội đã thực hiện tốt vấn đề này như Hội Luật gia chúng tôi đã là thành viên hiệp Hội luật gia của thế giới, cũng nhận tài trợ của một số tổ chức, nhưng đó là để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của hội viên. Ví dụ vấn đề biển đảo vừa rồi, chúng tôi tranh thủ sự ủng hộ của luật sư thế giới. Thiết nghĩ, cần quy định mềm dẻo hơn, để vừa quản lý được, vừa mở rộng quan hệ giao lưu quốc tế." - ĐB nói.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng cho rằng quy định không nhận tiền tài trợ nước ngoài là cứng nhắc, chỉ nên quy định không được nhận nếu nó ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị bỏ hẳn điều này. "Hiện nay nhiều hội phải có sự liên kết, ví dụ như Hội chữ thập đỏ, vai trò của các tổ chức nước ngoài đã thể hiện rất rõ trong hoạt động của Hội này. Chúng ta hoàn toàn yên tâm ở chỗ trong điều cấm đã nêu rất rõ cấm những trường hợp bị cấm, những cái gì xấu, lo lắng đã cấm rồi. Nên tôi đề nghị bỏ là hợp lý".
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, quy định như khoản 5, Điều 8 là khiên cưỡng. Ông cũng dẫn trường hợp liên kết của Hội Chữ thập đỏ. ĐB nhấn mạnh những viện trợ hiện nay của tổ chức nước ngoài nhất là về thuốc men, rất cần thiết. Với tư cách một nhà khoa học, ĐB Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng sẽ ảnh hưởng đến các nhà khoa học hiện nay đang được giúp đỡ để dự hội nghị, nghiên cứu ở nước ngoài.
Dự thảo cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm: Cản trở hoặc ép buộc cá nhân thực hiện quyền lập hội; Can thiệp trái pháp luật vào tổ chức, hoạt động của hội hoặc thông qua hoạt động hội để vụ lợi; Làm phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước; đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; Tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc; Rửa tiền, tài trợ khủng bố.