Tại phiên họp, Phó Chánh án TANTDTC Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh đến sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến; khẳng định phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn; bảo đảm tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm chi phí xã hội.
|
Bên cạnh đó, tổ chức phiên tòa trực tuyến còn là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử, Tòa án số, tiến tới xây dựng Tòa án thông minh.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ nêu rõ: Phiên tòa trực tuyến là việc tổ chức phiên tòa để xét xử vụ án theo trình tự luật định có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một Phòng xử án.
Tuy nhiên, vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể và vào cùng một thời điểm.
Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) tán thành chủ trương đề nghị của TANDTC về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nhưng về thẩm quyền cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, Thường trực Ủy ban Tư pháp còn 2 loại ý kiến: Đa số ý kiến tán thành với TANDTC, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, thì nội dung cho phép TANDTC tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết của QH (tại Kỳ họp thứ 2, tháng 10/2021, QH khóa XV).
Lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận nội dung này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của TANDTC trong đề nghị chủ trương tổ chức phiên tòa trực tuyến và tích cực thực hiện các công việc liên quan. Tuy nhiên, thảo luận bước đầu cho thấy nội dung cho phép TANDTC tổ chức phiên tòa trực tuyến không thuộc phạm vi thẩm quyền của UBTVQH mà cần báo cáo với QH.
Chủ tịch QH chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ chuẩn bị các nội dung cần xin ý kiến để kịp thời đưa vào Kỳ họp QH tháng 10. Chủ tịch QH gợi ý, có thể đưa chủ trương này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp QH hoặc có Nghị quyết riêng thì phải chuẩn bị kỹ, tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành.