Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giải thích, tổ chức sự nghiệp không có chức năng sản xuất kinh doanh, trong khi đó việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài là một loại hình kinh doanh có điều kiện.
Hơn nữa, đây là loại hình kinh doanh cần mang tính chuyên nghiệp nên dự thảo Luật đã đặt ra một số điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Đại biểu Đoàn Bến Tre cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi cần tập trung vào giải quyết chất lượng lao động, chất lượng của nguồn đi và chất lượng của nguồn về, chất lượng của vấn đề việc làm và an sinh, chứ không phải tập trung nâng cao số lượng.
Vì vậy, nếu các tổ chức sự nghiệp ký kết các thỏa thuận quốc tế về việc đưa người lao động Việt Nam đi thì chuyển cho cơ quan quản lý để cơ quan quản lý có cơ chế giao cho các doanh nghiệp hoặc có thể đấu thầu để đưa đi.
“Điều này tốt hơn là để các tổ chức sự nghiệp sử dụng năng lượng của mình để đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, một trong những hạn chế của Luật số 72 là mới chỉ giới hạn là các tổ chức sự nghiệp thuộc bộ, ngành, chưa quy định các tổ chức sự nghiệp thuộc các địa phương đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận của địa phương.
Vì vậy, dự Luật sửa đổi, bổ sung đề xuất bổ sung 2 điều quy định về đơn vị sự nghiệp công lập được giao nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế. Một số đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự đồng tình với nội dung sửa đổi, bổ sung này.