Theo thông tin được đưa ra tại Hội thảo, Việt Nam đã thực hiện thành công chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và đàm phán với nhiều nước về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Vì vậy, hiển nhiên những tranh chấp quốc tế sẽ nảy sinh và gia tăng về mặt số lượng cũng như độ phức tạp và tính đa dạng. Trong quá trình này, các thẩm phán Việt Nam sẽ gặp phải nhiều vấn đề và thử thách khi xử các vụ việc thương mại, đặc biệt là các tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư.
Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn thường lựa chọn giải quyết tranh chấp tại toà án như một giải pháp cuối cùng để bảo vệ quyền và lợi ích của họ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Caitlin Weisen – Quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam – nhấn mạnh, tòa án có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm một môi trường kinh doanh công bằng.
Theo bà, hệ thống toà án kém hiệu quả do tham nhũng không những khiến cho lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp bị lung lay mà còn ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến hiệu quả kinh doanh. Vì vậy, việc đảm bảo cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và áp dụng luật pháp công bằng là một trong những biện pháp then chốt để chống tham nhũng.