Phán quyết của Tòa án Liên Hợp Quốc (LHQ) xét xử tội phạm chiến tranh ở Nam Tư trước đây tuyên phạt tướng Ante Gotovina của Croatia 24 năm tù vấp phải sự phản đối và bất bình mạnh mẽ của đông đảo người dân Croatia, bởi như thế trên thực tế chẳng khác gì viết lại lịch sử nền độc lập của đất nước này.
|
Tướng Ante Gotovina |
Ante Gotovina xuất thân từ một tên lính đánh thuê, nhưng lại đóng vai trò rất then chốt trong cuộc nội chiến giữa các nước cộng hòa thuộc Liên bang Nam Tư hồi giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Croatia coi đó là cuộc chiến tranh ái quốc chống lại sự xâm lược của Serbia. Việc giành lại những khu vực lãnh thổ bị lực lượng Serbia nổi dậy chiếm giữ đầu tháng 8/1995 được Croatia coi là chiến dịch quân sự hợp pháp nhằm khôi phục lại sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Gotovina là một trong những tướng lĩnh chỉ huy các trận đánh ấy.
Kết cục cuối cùng là người Serbia bị đẩy ra khỏi lãnh thổ Croatia, Croatia trở thành quốc gia độc lập và Gotovina được người Croatia coi như một anh hùng. Tòa án quốc tế của LHQ lại đem Gotovina ra xét xử như một tội phạm chiến tranh với lời buộc tội là đã thanh lọc sắc tộc và tàn sát dân thường, chủ định xua đẩy người Serbia một cách có tổ chức và hệ thống. Ante Gotovina chủ là người thừa hành, chứ thật ra mọi chủ định về đường lối và quyết sách đều thuộc về cố tổng thống Tudjman – người đi vào lịch sử Croatia với tư cách là người sáng lập ra nước cộng hòa mới này.
Đối với Serbia và người Serbia đã bị xua đẩy hoặc di tản khỏi lãnh thổ Croatia hiện nay, vụ xét xử và phán quyết của Tòa án Quốc tế LHQ đơn thuần là chuyện liên quan đến tội phạm chiến tranh và tội ác gây ra trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng đối với Croatia thì lại là chuyện lịch sử đất nước đã diễn ra như thế nào và cần phải hiểu ra sao cho đúng. Cách hiểu của người Croatia và của Tòa án này thể hiện trong phán quyết ấy không chỉ khác nhau một trời một vực, mà còn đối ngược nhau như trắng với đen.
Phán quyết này không chỉ là chuyện sửa đổi, mà thậm chí còn cả là viết lại lịch sử hình thành nước Cộng hòa Croatia ngày nay. Nó cũng ảnh hưởng sâu sắc tới các mối quan hệ của Croatia với các đối tác bên ngoài, đặc biệt với các nước láng giềng trên bán đảo Balkan. Nó cũng còn đặt việc giải quyết các vấn đề liên quan đến những cuộc chiến tranh và nội chiến ở Nam Tư trước đây trên nền tảng pháp lý quốc tế mới, chẳng hạn như vấn đề hồi hương người Serbia đã ra đi, tài sản của họ và bồi thường thiệt hại, vấn đề hóa giải các bất hòa và chung sống hòa bình giữa các cộng đòng sắc tộc và tôn giáo ở Croatia và trên bán đảo Balkan....
Với phán quyết này của Tòa án Quốc tế LHQ, lịch sử không chỉ có như đã thực sự xảy ra và như được ghi chép lại trong sử sách, mà còn cả như phán quyết của tòa án nữa.
Thiên Lang