[links()] Đến quán kem để lấy chìa khóa, một thanh niên bị tước mạng sống một cách oan uổng.
Chết vì một cái nhìn
Cách đây tròn 2 năm, khoảng 22 giờ 30 ngày 12/4/2010, nhóm thanh niên hơn 10 người gồm Nguyễn Viết Vũ, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Ngọc Sơn…đang ngồi ăn kem tại quán kem Bạch Tuyết, số 1 Nguyễn Đức Cảnh, quận Lê Chân, Hải Phòng thì xảy ra va chạm với Phạm Thái Việt và nhóm bạn khi Việt đến quán kem này để lấy chìa khóa nhà do người cô của Việt là chị Hoàng Thị Thu Hà đang cầm.
Hai bị cáo Sơn và Long trong vụ án. |
Khi Việt bước vào quán kem, Vũ “ném” cái nhìn về phía Việt khiến Việt tức nên nói “mày nhìn gì”. Hai bên lời qua tiếng lại vì cái nhìn của Vũ giành cho Việt. Một người bạn đi cùng Việt là Lê Đăng Khoa đã cầm cán chổi đánh vào người Nguyễn Ngọc Sơn khiến nhóm bạn của Sơn và Hoàng Anh đứng cả dậy và xô xát bắt đầu xảy ra.
Nguyễn Viết Vũ chạy ra chỗ chiếc xe rác bên đường lấy chiếc xẻng của công nhân vệ sinh để đánh nhau với nhóm bạn của Việt còn Việt cũng chạy ra lấy chiếc cán chổi bằng tre có đầu bịt sắt nhọn để ứng chiến. Khi Vũ ngã, Việt đã đâm cán chổi vào chân Vũ. Thấy vậy, nhóm bạn của Vũ gồm Hoàng Anh, Long, Ngọc và Sơn chạy đến đánh Việt. Việt bị nhóm bạn của Vũ giành mất cán chổi và đuổi đánh nên bỏ chạy.
Lúc này, Hoàng Anh và Nguyễn Ngọc Sơn nhặt cây chổi và đuổi theo Việt. Trong lúc bỏ chạy, Việt bị ngã nên Hoàng Anh và Sơn đuổi kịp. Hoàng Anh đã dùng cán chổi nhọn đâm Việt hai phát còn Sơn đánh Việt bằng xẻng sắt. Việt được đưa đi cấp cứu nhưng do thương tích quá nặng nên đã tử vong sau đó ít giờ.
Tòa không đồng tình với cơ quan truy tố
Vụ án được CQĐT khởi tố với nhiều tội danh dành cho nhóm thanh niên tham gia vào vụ xô xát. Trong đó, Hoàng Anh, Viết Vũ và Ngọc Sơn bị truy tố về tội giết người. Các bị can khác bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng và không tố giác tội phạm.
Theo bản Kết luận điều tra số 27/KLĐT ngày 7/4/2011 của CQĐT Công an TP Hải Phòng thì hành vi giết người mà Hoàng Anh và Ngọc Sơn thực hiện là có tính chất côn đồ, vi phạm Điểm n, Khoản 1 Điều 93, BLHS. Tuy nhiên, VKSND TP Hải Phòng lại cho rằng, do nạn nhân Phạm Thái Việt gây sự trước nên mới xảy ra việc xô xát dẫn đến việc Việt bị nhóm Hoàng Anh đâm chết. Do vậy, VKSND TP Hải Phòng chỉ truy tố các bị can trên theo khoản 2, Điều 93 BLHS với mức án cao nhất chỉ là 15 năm tù.
Trong quá trình thụ lý xét xử vụ án này, TAND TP Hải Phòng đã trả hồ sơ yêu cầu VKS truy tố các bị can theo Khoản 1 Điều 93, với mức án cao nhất là tử hình; đồng thời làm thủ tục chỉ định luật sư cho các bị cáo. Tuy nhiên, VKS tiếp tục giữ quan điểm chỉ truy tố các bị cáo theo khoản 2, Điều 93. Vì vậy, tòa đành xét xử các bị cáo theo khung hình phạt mà VKS đã truy tố.
Ngày 18/1/2012, TAND TP Hải Phòng mở phiên tòa xét xử vụ án và tuyên phạt Hoàng Anh 13 năm tù, Ngọc Sơn 12 năm tù về tội giết người.
Vụ án chưa khép lại vì gia đình bị hại kháng cáo đòi tăng hình phạt đối với các bị cáo, đặc biệt là yêu cầu tòa án xem xét lại tình tiết gây tranh cãi trong vụ việc này là tính chất côn đồ của hành vi phạm tội mà Hoàng Anh và Ngọc Sơn thực hiện. Vướng mắc lớn nhất trong vụ án vẫn còn chính là việc các cơ quan tố tụng không thống nhất được hướng đi đúng trong việc giải quyết vụ án.
Các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã bị chia rẽ trong việc đánh giá tình tiết tăng nặng định khung của vụ án, trong đó Tòa án và CQĐT đứng về quan điểm cần định khung hình phạt theo khoản 1 còn VKS chỉ đồng ý truy tố ở khoản nhẹ hơn. Chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Ngô Trung Kiên, Phó Chủ nhiệm ĐLS Hà Giang về vấn đề này. Thưa Luật sư, ông có ý gì khi có hai quan điểm khác nhau trong vụ án? Trong nhiều vụ án giết người hoặc cố ý gây thương tích vì “nhìn đểu”, thì tình tiết tăng nặng khung hình phạt là “có tính chất côn đồ” thường được áp dụng vì theo hướng dẫn áp dụng pháp luật, tính chất côn đồ của hành vi là việc phạm tội không xuất phát từ mâu thuẫn mà phạm tội do vô cớ. Trong thực tế, những vụ việc đánh chết người chỉ vì bị nhìn đểu hoặc nhìn đểu đều là có dấu hiệu của sự côn đồ do sự xung đột từ những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt nhưng người phạm tội đã coi thường pháp luật và tính mạng người khác mà thực hiện hành vi giết người. Tôi cho rằng, trong vụ án này mâu thuẫn dẫn đến việc phạm tội không phải là lớn nên việc áp dụng tình tiết “có tính chất côn đồ” cũng có căn cứ. Nhưng trong vụ việc này, VKS cho rằng nạn nhân là người gây sự trước nên bị can trong vụ án không có “tính chất côn đồ”? Ở đây cần phải nhận thức rõ về nguyên nhân dẫn đến việc giết người. Nếu hành vi giết người xuất phát từ mâu thuẫn hay vi phạm pháp luật nghiêm trọng của bị hại thì người phạm tội không bị quy kết là côn đồ nhưng nếu bị hại không có hành vi vi phạm pháp luật thì cái “nhìn đểu” dù đến từ ai cũng là sự côn đồ mà không nhất thiết phải do chính bị can, bị cáo “nhìn đểu”. Tôi cho rằng, khi nạn nhân Việt đã bỏ chạy nhưng các bị cáo vẫn đuổi theo truy sát đến cùng vì mâu thuẫn nhỏ cũng thể hiện yếu tố côn đồ. Nếu VKS cho rằng, các bị cáo phạm tội do Việt có lỗi khi gây sự là chưa thỏa đáng vì lỗi của Việt không phải là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. |
Bình Minh