Kỳ 1: Vương quốc gạch ngói
Hàng trăm năm qua, thiên nhiên đã ban tặng cho Vĩnh Long một trữ lượng đất sét rất dồi dào và từ đó đã tạo nên những sản phẩm gạch ngói lớn nhất Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL); Trong đó đặc thù nhất là loại gạch tàu và gạch óng không nơi nào trong khu vực sánh bằng Vĩnh Long.
Chính vậy, Vĩnh Long là đầu mối sản xuất gạch tàu, gạch ốngvới màu sắc đỏ thẩm đi khắp các tỉnh ĐBSCL và cả miền Đông Nam bộ bằng những chuyến ghe trọng tải lớn từ vài chục đến vai trăm tấn. Có đi theo những chuyến ghe này mới hiểu được cái gian nan, vất vả của người dân vùng sông nước…mang những viên gạch đỏ quê mình ra khắp các tỉnh, thành Nam bộ.
Gạch Vĩnh Long đi khắp miền Nam
Theo những cao niên kể lại: Nghề sản xuất gạch ngói nói chung ở Vĩnh Long đã tồn tại hơn 100 năm nay. Ban đầu chỉ có một vài lò gạch đơn sơ. Đến khoảng những năm 1950, số lò gạch được tăng nhanh. Vương quốc gạch ngĩi dọc bờ nam sông Cổ Chiên dài trên 20 km, những lò nổi tiếng như: Vạn Xương, Chín Hỷ, Quảng Long, Hải Sơn Hà, Mười Chân, Chín Điếc…
|
Huyện Mang Thít hiện có 1.380 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ |
Do nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều, từ những năm 1990 số lượng lò gạch phát triển rầm rộ. Đến nay Vĩnh Long có trên 1.200 lò gạch – gốm thu hút với trên 22.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Vương quốc gạch – gốm ở Vĩnh Long hiện tập trung ở 3 địa phương là Tp Vĩnh Long, huyện Long Hồ và huyện Mang Thít.
Các cơ sở sản xuất gốm chủ yếu tập trung ở thị xã Vĩnh Long và huyện Long Hồ, dọc theo tỉnh lộ 31. Huyện Mang Thít được xem là vương quốc của gạch ngói. Đặc biệt, ngay ở Mang Thít cũng chia ra nhiều nơi có một loại sản phẩm gạch khác nhau. Chuyên sản xuất gạch tàu tập trung ở 2 xã Mỹ An và Mỹ Phước, còn xã Nhơn Phú thì chuyên sản xuất gạch ống…
Theo thống kê của ngành chức năng huyện Mang Thít, địa phương hiện có 1.380 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, bao gồm 14 Cty TNHH, 92 DNTN, 1.274 cơ sở, giải quyết việc làm ổn định cho 15.900 lao động trong và ngoài huyện.
Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp 312,644 tỷ đồng, đạt 102,17%KH, so cùng kỳ tăng 21,63%; trong đó giá trị sản xuất gạch đạt 165,850 tỷ đồng, chiếm 53,05% tổng giá trị toàn ngành, sản xuất gốm đạt 106,300 tỷ đồng, chiếm 34% và ngành nghề khác đạt 40,474 tỷ đồng, chiếm 12,95%, với các loại sản phẩm như: gạch các loại 650.000.000 viên, gốm 920.000 bộ (bộ 4) và 1.700.000 sản phẩm gốm khác.
Chính vì vậy, Vĩnh Long là nơi cung cấp cho hàng trăm ghe tải gạch đi khắp các tỉnh thành trong khu vực và cả miền Đông Nam bộ. Đặc biệt một số loại gạch chủ yếu là gạch tàu và gạch óng được xuất khẩu sang Campuchia qua những cửa khẩu chính ở tỉnh An Giang và Tây Ninh. Theo giới tải gạch ở Vĩnh Long hiện nay toàn tỉnh có trên 300 chiếc ghe tải từ vài chục đến hàng trăm tấn chuyên chở gạch đi khắp các tỉnh thành trong khu vực. Chỉ tính riêng đội ngũ tải gạch đi Tây Ninh là 20 ghe như ghe ông: Mười Hoa, Năm Súng, Hai Hào, Hai Đỏm, Tám Quẩn, Sáu Phí, Chín Quận,… Trung bình gạch tàu chuyên chở đến tỉnh Tây Ninh lời được 200 đồng/viên.
Anh Lê Thành Tuấn, người đã “từng trải” trên tuyến sông Vĩnh Long - Tây Ninh từ hơn 15 năm qua cho biết: Là người thường xuyên qua lại trên đoạn sông này, chúng tôi thấy rất nhiều điều thú vị. Hơn 10 năm trước ĐBSCL “nhập” cát từ TPHCM, nhưng nay mỗi ngày có hàng trăm chiếc sà lan từ 700 đến trên 1.000 tấn tải cát từ các tỉnh miền Tây trở về với miền Đông Nam bộ. Trên đoạn đường này, nhờ có phương tiện thủy lưu thông nhiều nên không ít đoạn sông xuất hiện những… “ chợ di động”. “Chợ đi động” là những chiếc ghe có trọng tải khoảng từ 5-10 tấn bán và mua tất cả mọi thư.
Đồ gia dụng nấu ăn và tiêu dùng hàng ngày như: đổi bình ga, mua điện thoại di động hư, bình hư và sắt vụn; ngoài những thức ăn như: gà, vịt sống, thậm chí có “chợ di động” còn bán cả…“ cầy tơ” sống nữa. Theo những người đi ghe, “cầy” là món khoái khẩu nhất của đội quân sà lan…
Tuy nhiên, giá ở các chợ này thì cũng… hên xui. Còn ông Hai Hào thì bức xúc: khi chạy ghe vào những đêm tối trời hay mưa bão, chúng tôi rất sợ những ngã ba, ba tư hay những điểm gần cầu, đa phần các phao tiêu, biển báo đều không hoạt động. Có những phao đèn báo hiệu ở những nơi nguy hiểm bị hư làm cản trở giao thông…
Hiện đội ngũ tải gạch cũng chia làm nhiều tuyến chính và hầu hết họ đều có kinh nghiệm từ 10 đến 20 năm qua, thậm chí có những gia đình 3 đời làm nghề chở gạch đi các tỉnh trong khu vực. Những tuyến lớn từ Vĩnh Long đi các tỉnh có chiều dài khá xa như: Tây Ninh, TPHCM, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang… gạch chở đến mỗi nơi, giá cả cũng khác nhau. Mang gạch đến địa phương nào xa xôi hay khó khăn, trắc trở thì nơi ấy giá cao hơn...
Gạch tàu trở lại… thời vàng son
Do nhu cầu xây dựng ngày càng nhiều nên gạch óng luôn được xem là thứ vật liệu đồng hành cùng thời đại. Còn đối với loại gạch tàu, có một thời gian đội ngũ chuyên chở gạch lao đao vì ế hàng nên có gần 50% chủ ghe phải chuyển sang chuyên chở thứ khác. Theo những người này, nguyên nhân chính là do thời lên ngôi của gạch men nên gạch tàu để lát nền ế ẩm, nhiều chủ lò điêu đứng…
Theo một số chủ ghe đang chở gạch tàu hiện nay, người dân bắt đầu ưa chuộng lại loại gạch này, chủ lò cũng phấn khởi hơn. Nhất là những công trình, quán sá, phong trào chơi nhà cổ của các đại gia... Cô Sáu, chủ một cơ sở vật liệu xây dựng ở huyện Tân Biên (Tây Ninh) phấn khởi: Mấy tháng nay, chỉ tính riêng công trình ở Trung Ương cục miền Nam mỗi tháng mua vật liệu xây dựng của tôi lên đến trên 250 triệu đồng. Trong đó lượng gạch tàu dùng để trùng tu xây dựng lại những công trình xưa chiếm tỉ lệ cũng khá lớn…
Anh Tùng, một chủ quán ở Cần Thơ, cho biết: lát nền bằng gạch tàu là hết ý, vừa tạo nên nét xưa, mát mẻ. Đặc biệt là gạch tàu hút nước rất nhanh nên lau chùi cũng dễ. Thực khách cũng thích vào những quán kiểu này hơn…
Càng tự hào hơn, gạch Vĩnh Long được xuất khẩu sang nước bạn Camphuchia. Đội ghe đi tuyến này chủ yếu là loại ghe có trọng tải hàng trăm tấn trở lên. Anh bảy Thư và anh Tám Thứ là 2 chủ ghe quê ở tỉnh An Giang xuống tận vùng đất Vĩnh Long này chở gạch tàu sang Campuchia để bán. Mỗi chiếc ghe như vậy chở từ 12 đến 15 muôn gạch tàu, tính ra trọng tải cũng từ 250 đến 300 tấn.
Theo những người này, chở gạch sang Camphuchia ghe có tải trọng càng lớn càng lời nhiều vì ghe qua biên giới được đánh thuế bằng từng chiếc, không kể lớn nhỏ, tải trọng bao nhiu.
Ngọc Long