Từ đây một câu hỏi đặt ra ở góc độ pháp luật là có biện pháp gì để ngăn chặn những kẻ biến thái như vậy nhập cảnh vào Việt Nam và có nên cho phép những cá nhân đã từng đi tù vì tội danh như thế, sau khi mãn hạn tù được sinh sống và làm việc tại Việt Nam?
“Hắn cần phải bị ngăn chặn trước khi có thể làm điều tồi tệ với những em nhỏ khác"
Là lời kêu gọi của một nạn nhân của Christopher Trinnaman khi cô này biết được kẻ gây ra nỗi đau khổ triền miên của mình và cái chết của bạn mình sau khi mãn hạn tù năm 2015 đã đến Việt Nam sinh sống và sau đó thậm chí còn gia nhập một dàn nhạc (Christopher Trinnaman vốn là nhạc công kèn trombone) và biểu diễn tại Việt Nam vào tháng 11/2018.
Bởi trong những bức hình về ông ta tại Việt Nam, có cả hình ảnh chụp cùng những đứa trẻ nên những nạn nhân của Christopher Trinnaman và dư luận Anh đã dậy sóng. Một nữ nạn nhân của Trinnaman đã phẫn nộ đăng lên Facebook: "Thật kinh khủng khi gã được tự do ra nước ngoài mà không có ai giám sát. Thật khủng khiếp khi thấy gã ở cùng những trẻ em Việt Nam. Hắn cần phải bị ngăn chặn trước khi có thể làm điều tồi tệ với những em nhỏ khác".
Được biết, năm 2009 Trinnaman đã bỏ trốn chỉ 24h trước khi ra tòa, khiến các nhà chức trách tại Anh phải truy đuổi. Cảnh sát sau đó đã tìm kiếm và phát hiện trong máy tính của ông ta có 28 bức ảnh khiêu dâm trẻ em. Đến năm 2010, y bị kết án 4 năm tù trong một phiên tòa xét xử vắng mặt, vì tội dụ dỗ trẻ em và lưu trữ ảnh khiêu dâm trẻ em. Tên của ông ta cũng lọt vào danh sách tội phạm tình dục tại Anh quốc cho đến hết đời.
Điều đáng nói là đây không phải câu chuyện lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam. Trong quá khứ tại Việt Nam cũng từng có một cựu ca sĩ nhạc Pop là Gary Glitter phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em. Ông ta đã bị Công an Việt Nam bắt và kết án 3 năm từ hồi năm 2005, sau đó bị trục xuất khỏi Việt Nam khi mãn hạn vào năm 2008. Glitter sau đó nhận một lệnh cấm xuất cảnh, nhưng đã được gỡ bỏ vào năm 2011.
Bác sĩ Larroque Olivier bị bắt ở Việt Nam |
Đến năm 2015, ông ta tiếp tục nhận án tù 16 năm vì tội danh lạm dụng 3 bé gái. Tháng 7/2013, Larroque Olivier (sinh năm 1962, bác sỹ, quốc tịch Pháp), kẻ bị Interpol quốc tế truy nã gắt gao vì bị tình nghi liên quan đến một số vụ xâm hại tình dục với trẻ em vị thành niên và hiếp dâm trẻ em xảy ra ở nhiều quốc gia đã bị Công an Việt Nam bắt sau khi nhận được thông tin từ cảnh sát Cộng hòa Pháp. Trước khi bị bắt, Larroque Olivier hành nghề bác sĩ tại một bệnh viện ở Hà Nội.
Thiếu biện pháp để ngăn chặn những kẻ biến thái
Sau khi câu chuyện về Christopher Trinnaman xảy ra, chính quyền Anh lại một phen bị chỉ trích vì không quản lý được những kẻ biến thái phạm tội ấu dâm. Theo ghi nhận từ tạp chí People, có hơn 15.000 tội phạm tình dục trong danh sách Lệnh phòng chống Tác hại tình dục được trả tự do trong 3 năm qua, nhưng chỉ 27 người được kiểm soát khi ra nước ngoài. Vụ việc của Trinnaman xảy ra cũng chỉ vài tuần sau phiên điều trần kéo dài 5 ngày về sự thất bại của Chính phủ trong việc đối phó với nạn xâm hại tình dục trẻ em.
Tuy không cấm, nhưng ở Anh quốc có luật cho phép cảnh sát ngăn chặn những kẻ bị kết án phạm tội tình dục không xuất cảnh nếu đưa ra được bằng chứng cho thấy mưu đồ phạm tội của kẻ đó. Nhưng dường như cách làm này không hề hiệu quả. "Với chính sách hiện nay, pháp luật không thể giám sát chặt chẽ tội phạm khi những kẻ đó muốn ra nước ngoài, như trường hợp của Trinnaman, bởi khi đó chẳng có dấu hiệu nào là hắn sẽ đi cả.
Chúng ta cần những công cụ ngăn chặn từ đầu nguy cơ dụ dỗ trẻ em từ trên mạng, đồng thời cả những kẻ muốn tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại bằng cách tìm ra nước ngoài " - Katherine Mulhern - Giám đốc tổ chức về quyền trẻ em của Anh cho biết.
Cách ly vĩnh viễn những tội phạm ấu dâm đó là cách làm của nước Mỹ. Ở Mỹ có một hòn đảo mang tên McNeil và là nơi mà những tội phạm ấu dâm bị giam vô thời hạn và phải tham gia vào các khóa trị liệu nhóm. Trong hơn một thập kỷ qua, đây là nơi giam 236 tội phạm bạo lực tình dục mà bang Washington lo ngại sẽ tái phạm nếu được trả về với xã hội.
Sau khi các tội phạm tình dục kết thúc thời gian thụ án, một Ủy ban Đánh giá Bản án sẽ xem xét liệu họ có nguy cơ tái phạm hay không. Nếu vẫn nằm trong danh sách "tội phạm bạo lực tình dục", họ sẽ được gửi tới đảo McNeil vô thời hạn để điều trị. Nếu bị đưa tới đảo McNeil, các phạm nhân có rất ít cơ hội để thuyết phục tòa án thả họ.
Trung tâm cải huấn đặc biệt (SCC) như ở hòn đảo McNeil từ lâu đã là đề tài gây tranh cãi ở Mỹ. Nhưng thực tế là có tới 20 trong 50 bang của Mỹ đều duy trì những cơ sở như vậy để tội phạm tình dục có thể bị cách ly với thế giới bên ngoài vô thời hạn. Năm 1997, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết khẳng định các cơ sở như McNeil là hoàn toàn hợp pháp.
Không thể cấm chỉ có thể theo dõi, giám sát?
Từ những góc độ pháp lý của các quốc gia trên, một câu hỏi đặt ra với Việt Nam là liệu pháp luật có cần có biện pháp để ngăn chặn những kẻ biến thái như vậy nhập cảnh vào Việt Nam và có nên cho phép những cá nhân đã từng đi tù vì tội danh như thế, sau khi mãn hạn tù được sinh sống và làm việc tại Việt Nam?
Được biết, bệnh viện nơi đã tuyển dụng kẻ ấu dâm người Pháp cho biết, khi tuyển dụng đã yêu cầu và kiểm tra hồ sơ, giấy tờ nhưng không hề phát hiện ra rằng Larroque Olivier bị nhà chức trách Pháp, buộc tội có hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và lạm dụng tình dục, hiếp dâm trẻ em ở nhiều nước.
Hình ảnh được cho là Christopher Trinnaman chụp với trẻ em Việt Nam khi công tác tại dàn nhạc |
Oliver Larroque là bác sĩ thuộc chuyên khoa tiêu hóa, bắt đầu làm bác sĩ cộng tác tại bệnh viện từ năm 2000 và trở thành bác sĩ thường trực vào năm 2011. Tại nơi Oliver Larroque thuê nhà ở, người dân cũng đánh giá Oliver Larroque sống rất khép kín.
Còn người đại diện của dàn nhạc được cho là nơi Trinnaman đã biểu diễn tại Việt Nam xác nhận với Mirror rằng ông ta đã không còn làm việc tại đây nữa. "Ngày 23/4, ông Trinnaman đã xin nghỉ việc và hủy hợp đồng với dàn nhạc vì lý do cá nhân. Dàn nhạc không biết gì về quá khứ của ông. Mọi thông tin ông ta cung cấp đều hợp pháp” - người đại diện của dàn nhạc cho biết.
Phân tích về khía cạnh pháp lý, trả lời báo chí Luật sư Trần Thu Nam nhận định việc hạn chế nhập cảnh hay giám sát tội phạm nước ngoài đã mãn hạn tù đến Việt Nam sinh sống là “rất khó”. “Nếu người ta đã chấp hành xong án, hay được xóa án tích rồi chẳng hạn, thì với quyền tự do đi lại, nếu cấm thì rất khó.
Theo luật Việt Nam, người ta chỉ giám sát đối với những người đang chấp hành án, hoặc đang có tiền án tiền sự mà chưa được xóa án, hoặc đang trong thời gian quản chế ở địa phương… Còn với những người đã chấp hành án xong rồi thì không có hình thức nào giám sát cả” – Luật sư Nam giải thích.
Còn về phía cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, ông Đặng Hoa Nam cũng khẳng định luật pháp Việt Nam “không có những chế tài hay hạn chế quyền tự do đối với những đối tượng xâm hại tình dục trẻ em sau khi đã chấp hành xong các hình phạt của pháp luật”. Tuy nhiên, ông Nam nêu quan điểm rằng những người như Trinnaman sẽ bị đưa vào diện “có nguy cơ cao” để theo dõi, giám sát.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề này, Luật sư Bùi Thế Vinh – Trưởng Văn phòng Luật sư Thái Minh – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài năm 2014 quy định điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam cũng khá đơn giản, người nhập cảnh khi có đủ các điều kiện như: hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực… Tại Điều 21 luật này quy định về 9 trường hợp chưa cho nhập cảnh trong đó có trường hợp “vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
“Đối với trường hợp của ông Trinnaman không thuộc trường hợp nào trong 9 trường hợp không cho phép nhập cảnh. Do vậy các đơn vị kiểm soát nhập cảnh cũng rất khó ra quyết định không cho nhập cảnh vào Việt Nam đối với ông này. Tuy nhiên, nếu xét thấy người xin nhập cảnh có thể gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có quyền từ chối cho nhập cảnh” – Luật sư Vinh nêu quan điểm.