Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, cách đây 78 năm, ngày 9/11/1946, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc son trong lịch sử lập hiến, lập pháp của nước ta.
Tháng 6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 - Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Tại Điều 8 của Luật quy định: Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân và doanh nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc Quốc hội quyết định chọn ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam, trước hết nhằm tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người và trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc. Đồng thời, qua đó để nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi hoạt động của mỗi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.
|
Tổng Bí thư Tô Lâm, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú và các đại biểu Quốc hội dự phiên họp ngày 9/11 tại Hội trường Diên Hồng. (Ảnh: Trọng Quỳnh) |
Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, phát huy dân chủ trí tuệ, nâng cao chất lượng hoạt động với tinh thần chuyên nghiệp, khoa học, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ hiệu quả các vướng mắc, bất cập, nhất là các điểm nghẽn; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đồng bộ, thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, đưa nước ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Năm 2024 là năm thứ 12 hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Việc tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, đóng góp thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ đề Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 là Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; hỗ trợ, đồng hành, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, doanh nghiệp; nâng cao kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của ngành Tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.