Tôn vinh nghệ nhân để giữ sức sống cho di sản

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hỗ trợ nghệ nhân để bảo tồn di sản văn hóa là một trong những giải pháp gìn giữ hiệu quả vốn văn hóa quý báu mà cha ông ta để lại.
Lễ trao tặng áo dài ngũ thân cho bảo tàng.
Lễ trao tặng áo dài ngũ thân cho bảo tàng.

Tôn vinh áo dài truyền thống

Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam - 23/11 và chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ được tổ chức ngày 24/11, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống – Câu lạc bộ (CLB) Đình làng Việt vừa tổ chức lễ trao tặng 12 bộ áo dài ngũ thân truyền thống cho 7 bảo tàng như một thông điệp nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, không pha tạp và lai căng.

12 bộ áo dài truyền thống của các nghệ nhân may bao gồm: nghệ nhân Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội); nghệ nhân Phạm Văn Tuyền (đường 2/3, quận 10, TP Hồ Chí Minh); nghệ nhân Nguyễn Minh Đời (An Thới, Bình Thủy, Cần Thơ)… đã được trao cho 7 bảo tàng bao gồm: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Bảo tàng Hà Nội; Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng; Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Về chất liệu, 12 bộ trang phục có sự góp mặt của các sản phẩm dệt vải như: làng lụa La Khê, Hà Đông (Hà Nội), làng lụa Phùng Xá, Ứng Hòa (Hà Nội); làng lụa Nha Xá, Duy Tiên (Hà Nam), lụa Bảo Lộc (Lâm Đồng); lụa Mỹ A (An Giang) với các nghệ nhân dệt như: nghệ nhân Lê Đăng Toản (làng La Khê, Hà Đông, Hà Nội); nghệ nhân Phan Thị Thuận (làng Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội); nghệ nhân Phạm Văn Thực, làng Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam…

Trao tặng những sản phẩm tâm huyết của mình cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nghệ nhân Nguyễn Minh Đời đã may bộ trang phục áo ngũ thân tay chẽn, kiểu dáng áo theo phong cách trang phục áo ngũ thân thường phục thời Nguyễn (tiền thân của áo dài hiện đại ngày nay).

Hai bộ áo nam và nữ được may từ chất liệu lụa tơ tằm truyền thống của làng lụa Nha Xá, Duy Tiên, Hà Nam. Toàn bộ quá trình may do nghệ nhân Nguyễn Minh Đời thực hiện 90% may tay nên đòi hỏi việc cắt, may phải thực hiện hết sức tỉ mỉ, chi tiết. Áo được nghệ nhân Nguyễn Minh Đời khâu tay để tạo nên vẻ đẹp chân thực cho sản phẩm.

Nghệ nhân Đỗ Minh Tám (Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ, khi đưa những sản phẩm áo dài truyền thống trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Đà Nẵng, ông mong muốn những sản phẩm áo dài sẽ được gìn giữ, phát huy giá trị. Đây là cách để gìn giữ những giá trị truyền thống của văn hóa dân tộc Việt, để nhiều người biết đến cũng như hiểu đúng về áo dài ngũ thân truyền thống.

“Chìa khóa” bảo tồn những tinh hoa, bản sắc văn hóa

Để bảo tồn và phát huy di sản áo dài cũng như đấu tranh chống lại việc áo dài của Việt Nam bị nước ngoài mạo danh, đánh tráo để trở thành thương hiệu của họ, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân đã lên tiếng và có những hành động cụ thể. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... đã tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm nhằm quảng bá và bảo tồn áo dài. Sở Văn hóa - Thể thao Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và thực hiện Đề án Huế - Kinh Đô áo dài Việt Nam nhằm vinh danh áo dài là di sản văn hóa quốc gia và trong tương lai sẽ là Di sản văn hóa thế giới.

Về phần mình, CLB Đình làng Việt trong 6 năm qua với những thành viên tâm huyết đã nỗ lực quảng bá áo dài. Năm 2020, CLB Đình làng Việt đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển áo dài truyền thống, Trung tâm tập hợp những người yêu di sản áo dài, có niềm đam mê may, mặc, bảo tồn giá trị thẩm mỹ và văn hóa của trang phục áo dài ngũ thân truyền thống (áo ngũ thân tay chẽn). Trung tâm hoạt động phi lợi nhuận, đặt mục tiêu hỗ trợ nghệ nhân may, hỗ trợ người mặc đúng, mặc đẹp, hỗ trợ việc phát triển các giá trị của áo dài lên tầm cao mới, giúp nhiều người biết đến bản chất giá trị của trang phục này.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt cho biết, nhằm hỗ trợ các bảo tàng trong việc giới thiệu, quảng bá áo dài Việt Nam, thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển áo dài ngũ thân truyền thống đã tổ chức vận động các nghệ nhân hiến vải, dành công may áo dài để trao tặng các bảo tàng. Hưởng ứng sự vận động này, các nghệ nhân trong thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm, đã dành tấm lòng mình trong từng vuông vải, từng đường kim, mũi chỉ để tạo ra những bộ trang phục tuyệt vời dành tặng các Bảo tàng. Mỗi bộ trang phục có một đặc điểm chất liệu, kỹ thuật dệt, may riêng, mang dấu ấn của từng người thợ.

Qua câu chuyện các nghệ nhân hiến vải, dành công may áo dài để trao tặng các bảo tàng có thể thấy nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa là chính là những “chìa khóa then chốt” để bảo tồn những tinh hoa, bản sắc văn hóa của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Do đó, việc tôn vinh các nghệ nhân vừa nhằm ghi nhận công lao của họ, đồng thời để khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy di sản. Có thể nói việc làm của CLB Đình làng Việt đã đi rất đúng hướng khi đặt mục tiêu hỗ trợ nghệ nhân để từ đó giúp áo dài truyền thống trở lại đời sống thường nhật và trở thành di sản văn hóa được công nhận trong thời gian tới.