Đến cơ quan Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bắc Kạn, xen lẫn giữa những nam quân nhân, hình ảnh các “bóng hồng” trong sắc áo lính như nét chấm phá tạo nên sự mềm mại ở nơi tưởng như chỉ khuôn mẫu kỷ luật ấy.
Tác phong chỉnh tề của nhà binh, song các nữ quân nhân trong khối cơ quan vẫn toát lên sự duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam; cuộc sống binh nghiệp rèn cho họ ý chí kiên cường, sự rắn giỏi nhưng không vì thế mà làm mờ đi sự dịu dàng vốn có. Ở chị em, mỗi người đến với đời binh nghiệp với một lý do riêng, song có một điểm chung ở họ đó là tình yêu cháy bỏng với màu xanh áo lính. Vì màu áo ấy, họ viết đơn xin tình nguyện đi bộ đội khi tuổi đời còn rất trẻ.
Với Trung úy Bàn Thị Lạng, cô phóng viên áo lính, có lẽ 3 tháng thao trường của đời lính sẽ chẳng bao giờ phai mờ trong tâm trí cách đây gần 15 năm. “Là con gái, những ngày đầu quân ngũ, ai nấy đều khóc như mưa và bỏ cơm vì nhớ nhà! Nhưng đến khi bắt đầu tập luyện thì ai cũng hăng say. Dần dần, các nữ chiến sĩ cũng quen với những mệt nhọc, khổ cực của chương trình tập luyện. Tối đến, ai nấy đều sắp xếp ba lô, quân tư trang hết sức gọn gàng, khoa học để có lệnh báo động là phải ra được vị trí tập trung nhanh nhất, có nhiều chị em, khi đi ngủ còn không dám cởi giầy ra khỏi chân…” - chị Lạng hồi tưởng.
Nghe nữ trung úy trẻ hồi tưởng lại những ngày tháng đến với quân ngũ, chúng tôi hiểu rõ sự vất vả mà các nữ quân nhân nếm trải trên thao trường. Dường như những tháng ngày gian khổ ấy đã tạo thêm cho họ nghị lực, sự rắn rỏi và can trường. Thế nhưng, theo chị, “tất cả những phụ nữ đang công tác ở đây, ai vào lính cũng đều có những tháng ngày như vậy anh ạ”.
Trạm tổng đài thông tin sóng ngắn, dù không rộng lớn nhưng máy móc, thiết bị luôn được bố trí rất gọn gàng, ngăn nắp và khoa học. Để có được điều này, không thể thiếu bàn tay của người phụ nữ như Thượng úy Lý Thị Ngôn, Lê Thị Tình, Đặng Thị Hè… luôn luôn khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo cho mạch máu thông tin thông suốt.
Còn Mạc Thị Thư, nữ nhân viên bảo mật với “ánh mắt biết nói” đã dẫn dắt chúng tôi đến với biết bao kỷ niệm đời binh nghiệp qua dòng ký ức của chị. Cũng giống như chị Hè, chị Tình hay chị Lạng, từ nhỏ Thư đã hiểu rõ về người lính qua lời kể của cha mẹ và rất thích hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ. Tròn 18 tuổi, chị xung phong nhập ngũ, dù cha mẹ ngại ngần vì sợ con gái khổ. Trải qua hơn 10 năm trong quân đội, chị đúc kết: “Cuộc sống và kỷ luật Quân đội đã giúp tôi lớn hơn, trưởng thành hơn”.
Đời quân ngũ vất vả như thế nhưng những “bóng hồng” trong lực lượng vũ trang luôn cháy bỏng tình yêu với con đường mà mình đã chọn. Họ khẳng định, nếu được chọn lại, vẫn một lòng đi theo “khúc quân hành”, xin trọn đời trong màu xanh áo lính.
Thượng úy Hà Thị Oanh chia sẻ: “Để đeo đuổi cái nghiệp “rất đàn ông” này, phải kiên định và có tình yêu thực sự mới theo đuổi được lâu dài. Nhiều người hỏi tại sao phụ nữ lại theo con đường binh nghiệp, tôi chỉ biết... cười và nói rằng mỗi nghề có một niềm vui riêng. Tôi tự hào là một quân nhân và mong mỏi khi con cái trưởng thành, sẽ tiếp nối con đường của mình”.
Chính ý chí kiên cường của các nữ quân nhân đã làm tươi đẹp thêm trang sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam, là niềm tự hào của các quân nhân nam. Đại tá Nguyễn Thanh Tâm- Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn - tự hào: “Các nữ quân nhân đã góp một phần không nhỏ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Trong môi trường khô cứng, kỷ luật, chị em đã làm cho không khí thêm phần tươi trẻ, làm cho nhiệm vụ, công việc của người lính trở nên mềm mại”.
Nói về những nữ quân nhân trong lực lượng Vũ trang tỉnh nói riêng và quân đội nói chung, chúng tôi liên tưởng tới lời trong bài hát “Bài ca Phụ nữ quân đội” của nhạc sỹ An Thuyên: “Từ bà Triệu, bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, tới ngày nay vẹn toàn đất nước/Hàng triệu chị em xông lên đồng hành cùng nam nhi, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do…/Đi lên đi chị em, phụ nữ quân đội nhân dân/Ngôi sao trên mũ sáng ngời, rộn vang nhịp bước quân hành…”.
Câu hát rực lửa và đầy rung cảm càng trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn khi chúng tôi được gặp gỡ các nữ quân nhân thời bình. Giữa cuộc sống bộn bề và sôi động, họ vẫn ngày đêm thầm lặng góp phần bảo vệ và gìn giữ sự bình yên cho Tổ quốc hôm nay.