Tôn vinh phụ nữ Khu V anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong hàng nghìn năm ấy, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp vô cùng to lớn. Lịch sử mãi ghi công những phụ nữ đã hòa mình vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bà Lê Thị Xuyến, đại biểu Quốc hội khóa I, là đại biểu nữ duy nhất được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, phụ trách Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội. (Ảnh cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến tại ATK năm 1948).
Bà Lê Thị Xuyến, đại biểu Quốc hội khóa I, là đại biểu nữ duy nhất được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, phụ trách Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội. (Ảnh cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến và bà Lê Thị Xuyến tại ATK năm 1948).

Những đội nữ du kích, tự vệ địa phương, nữ thanh niên xung phong xông pha nơi chiến trường ác liệt hay những nữ chiến sĩ chiến đấu thầm lặng nơi đầu não của địch đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Những người mẹ, người chị, người em dịu dàng, nhỏ nhắn với bao đức tính cao đẹp, luôn hết lòng chăm lo cho hạnh phúc gia đình. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, các mẹ, các chị sẵn sàng động viên chồng con lên đường chiến đấu…

Người con gái Việt Nam trong thơ Tố Hữu

Đó là chị Trần Thị Lý sinh năm 1933 tại Quảng Nam. Chị tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi. Giai đoạn từ 1951 – 1956, chị tham gia đường dây cán bộ nằm vùng và đã từng 2 lần bị bắt nhưng đều được tha vì không đủ chứng cứ. Năm 1956, bị chính quyền Việt Nam cộng hòa bắt lần thứ 3, chị bị tra tấn với những hình thức dã man nhất như: điện giật, dùi đâm, đổ nước xà phòng, dùng dao cắt vú, dùng lửa nung bộ phận sinh dục đến nỗi bị mất khả năng sinh sản… nhưng người phụ nữ trung kiên ấy vẫn không hé răng dù chỉ một lời.

Tháng 10/1958, chị bị tra tấn tới kiệt sức, phía địch cho rằng chị không thể sống được nữa nên đem vứt chị ra ngoài nhà lao, chị may mắn thoát chết một cách hi hữu, được đồng đội bí mật đón về, chuyển sang Campuchia và được đưa ra Bắc chữa trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô. Tình trạng suy kiệt, 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng (lúc ấy chị chỉ còn nặng chưa đến 26kg). Đến thăm chị, Bác Hồ rất cảm động. Nhìn chị đau đớn, Bác tìm cách nói chuyện để chị nguôi đi phần nào nỗi đau thể xác.

Khi nhà thơ Tố Hữu đến thăm chị Trần Thị Lý, ông đã khóc rất nhiều vì quá xúc động. Tháng 12/1958, bài thơ “Người con gái Việt Nam” của ông ra đời, sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng, gây xúc động lòng người và là tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế: “Em là ai, cô gái hay nàng tiên/Em có tuổi hay không có tuổi/Mái tóc em đây, là mây hay là suối/Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông/Thịt da em hay là sắt là đồng/Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng/Em đã sống lại rồi em đã sống/Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung/Không giết được em, người con gái anh hùng!”.

Chị Trần Thị Lý trên giường bệnh với bó hoa của thi sĩ Liên Xô An-tô Côn-sky. (Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Chị Trần Thị Lý trên giường bệnh với bó hoa của thi sĩ Liên Xô An-tô Côn-sky. (Ảnh Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Tháng 3/1978, được sự yêu thương của anh Nguyễn Viết Tuấn, đám cưới của anh chị được tổ chức tại quê hương Đại Lộc, Quảng Nam. Ngôi nhà 63, đường Hải Phòng giữa lòng Đà Nẵng thân thương ghi dấu biết bao nhiêu là ý chí, nghị lực của cả hai để có được hơi ấm thực sự của hạnh phúc gia đình, trong đó, có cả tương lai của đứa con gái tên gọi Thùy Linh. Chị Trần Thị Lý mất ngày 20/11/1992.

Góp phần sáng mãi bản anh hùng ca về người phụ nữ Việt Nam!

Người con gái Việt Nam Trần Thị Lý là một trong rất nhiều tấm gương anh dũng của những người phụ nữ Khu V trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Ở thời kỳ chống Pháp năm 1945-1954, phụ nữ Khu V đã tham gia cao trào khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đóng góp một phần vào thành công của chính quyền mới như: Ban phụ vận lâm thời do bà Phan Thị Nễ làm trưởng ban đã chỉ đạo phụ nữ các huyện, vận động chị em tham gia kháng chiến theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam (từ tháng 5/1945), đặc biệt là trong công tác phụ trách cứu tế xã hội. Một số cán bộ nữ tiêu biểu của Quân khu V đã được bầu vào UBND Cách mạng lâm thời Trung Bộ và Ủy ban Việt Minh.

Phong trào phụ nữ sôi nổi của Quân khu V đã đóng góp một phần vào thành công của chính quyền mới như: Thực hiện phong trào “Hũ gạo tiết kiệm” “Hũ gạo đồng tâm” và tích cực khai hoang, phục hóa, thâm canh, tăng vụ, làm phân bón, đào kênh khai mương, đắp đập, làm bờ xe nước, đào ao, vét giếng, tận dụng đất bãi bồi, đắp ụ trồng khoai, thực nghiệm giống ngắn ngày, trồng cây lương thực, cây công nghiệp, các loại rau màu; Phong trào bình dân học vụ phát triển rộng khắp, thu hút mọi tầng lớp nhân dân cả vùng tự do và vùng kháng chiến. Hội phụ nữ mở lớp học riêng cho chị em, lớp học cũng là nơi hội họp đọc báo, sách, kể chuyện truyền thống, trao đổi công việc làm ăn, nhắc nhau khi thai nghén, nuôi con. Cuối 1946, các vùng tự do 100% hội viên phụ nữ đi học bình dân học vụ…

Ngày 17-24/9/1945 Bác Hồ kêu gọi toàn dân tự nguyện đóng góp Quỹ Độc lập. Chính phủ và Việt Minh tổ chức vận động tuần lễ vàng, tuần lễ đồng. Kết quả phụ nữ đã đóng góp vàng tại: Quảng Nam 20kg, Quảng Ngãi 42kg, Bình Định 25kg, Phú Yên 8kg, Khánh Hòa 10kg, Lâm Đồng 10kg. Trong Quốc hội khóa đầu tiên có 10 đại biểu nữ, riêng Khu V có bà Lê Thị Xuyến được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Nhiều đại biểu nữ được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu nhân dân các cấp…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1954-1975 phụ nữ Khu V đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chính trị, tham gia phong trào đấu tranh vũ trang.

Trong đấu tranh chính trị, chị em tham gia cắm cờ giữ đất, đi đôi với đẩy mạnh đấu tranh chính trị và vận động binh lính địch, chống lấn chiếm bảo vệ vùng giải phóng. Các mẹ, các chị tích cực tuyên truyền, chống âm mưu tràn ngập lãnh thổ của địch… Trong đấu tranh vũ trang phụ nữ Khu V đã tham gia kháng chiến bằng các hình thức như đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, liên lạc tin tức, móc nối xây dựng cơ sở, tích lũy lực lượng từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến đô thị.

Nhiều phụ nữ đã hy sinh anh dũng trong các cuộc tra tấn nhục hình của kẻ thù. Hàng vạn chị em bị thương tật suốt đời. Những tấm gương tiêu biểu như chị Trần Thị Lý ở Quảng Nam sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, chị Hồ Thị Quyền ở Bình Định, chị Bùi Thị Thanh Vân ở Phú Yên; Đội nữ pháo binh Phú Yên thành lập 1967 do chị Lê Thị Tạo làm Đại đội trưởng, ra quân trận đầu diệt ngay cứ điểm “Cầu Cháy” huyện Tuy Hòa 1, phá hủy 2 pháo 105 ly, diệt 50 tên địch, sau đó lần lượt chiến đấu trên 50 trận, diệt 170 địch, bị thương 60 tên, phá hủy 15 khẩu pháo; Đội nữ pháo binh tỉnh Lâm Đồng thành lập năm 1968 gồm 42 chị, trong đó có 22 chị là người dân tộc thiểu số do chị Trần Thị Thanh Hùng làm Trung đội trưởng, trong 2 năm tham gia đánh 30 trận, diệt 300 địch, bắn hỏng 01 máy bay L19, 50 xe, phá hủy nhiều quân trang, quân dụng của địch…

Kết hợp với phong trào đấu tranh, phụ nữ Khu V chăm lo công tác hậu cần và hậu phương quân đội chu đáo, tình thương và trách nhiệm, phụ nữ luôn lo toan, chăm sóc thương binh, giúp đỡ bộ đội, đảm đang công tác hậu phương để chồng, con ra tiền tuyến… Thực hiện chủ trương của Khu ủy 5 về sản xuất tự túc lương thực, phụ nữ các tỉnh đều có phong trào thi đua sản xuất, ở vùng giải phóng chị em tập cày, bừa thay thế chồng con đi nhập ngũ, phụ nữ Tây Nguyên có phong trào thi đua sản xuất với khẩu hiệu: “Biến đổi hoàn thành rẫy sắn”. Mẹ Căng A Chuông ở huyện Giằng, tỉnh Quảng Nam trồng 1 ngày 3.000 gốc sắn đạt danh hiệu kiện tướng sản xuất cấp huyện, chị Đinh Thị Óp (thường gọi Mé Tiêu) dân tộc Ba Na ở khu 7, Gia Lai được bầu là chiến sĩ thi đua sản xuất khu 5 (1961-1965), phong trào thi đua sản xuất của chị em miền núi rất cao, chị em còn vui lòng ăn sắn, ăn bắp để gạo cho bộ đội ăn có sức đánh giặc…

Chiến dịch mùa xuân 1975, phụ nữ Khu V đã tích cực tham gia ủy ban khởi nghĩa, xây dựng chính quyền cơ sở, phát động quần chúng, đưa dân các khu dồn dân trở về làng cũ, khôi phục sản xuất, giúp đỡ đời sống cho chị em khó khăn. Phụ nữ Phú Yên tham gia truy quét địch từ Tây Nguyên theo quốc lộ 25 xuống Tuy Hòa. Phụ nữ các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng, Quảng Nam trở vào, thực hiện, chủ trương của tỉnh ủy và ủy ban khởi nghĩa các tỉnh tiếp tục truy quét địch từng địa phương, không cho chúng co cụm, thu xếp công việc cụ thể ở mỗi chiến trường. Sau khi giải phóng khu 5, chị em các tỉnh dọc theo quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh chiến lược Tây Nguyên, tập trung phục vụ các điểm trạm đón tiếp các quân đoàn chủ lực tiến vào giải phóng các tỉnh phía Nam và TP HCM. Tiếp tế lương thực, thực phẩm, xăng, dầu...

Ngày 6/3/2023, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho Hội LHPN Khu V gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, nhằm tôn vinh và tri ân những cống hiến của các thế hệ Hội LHPN Khu V trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân Khu V trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân các tỉnh Khu V nói riêng và cả nước nói chung.

Đọc thêm