Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV được thành lập theo Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 8/10/2023, Hội nghị Trung ương XIII, do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Tiểu ban.
Theo Nghị quyết 40-NQ/TW, Tiểu ban Nhân sự có nhiệm vụ xây dựng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; Kế hoạch triển khai việc giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV trình Đại hội XIV của Đảng.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV |
Cùng dự phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và các thành viên Tiểu ban.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV
Tại Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 8/10/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, gồm:
Một là, Tiểu ban Văn kiện do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo chính trị và Báo cáo tổng kết những thành tựu, kết quả của 40 năm đổi mới (1986 - 2026) trình Đại hội XIV của Đảng.
Hai là, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban Kinh tế - Xã hội có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030); xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2026 - 2030 trình Đại hội XIV của Đảng.
Ba là, Tiểu ban Điều lệ Đảng do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban Điều lệ Đảng có nhiệm vụ xây dựng Báo cáo về công tác xây dựng Đảng 5 năm (2021 - 2025) và Báo cáo tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.
Bốn là, Tiểu ban Nhân sự do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban Nhân sự có nhiệm vụ xây dựng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; Kế hoạch triển khai việc giới thiệu nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; Báo cáo công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV trình Đại hội XIV của Đảng.
Năm là, Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội có nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện và phục vụ Đại hội XIV của Đảng.
|
Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng họp phiên đầu tiên |
Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch BCH Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2-8/10/2023), Trung ương đã bàn về công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo đã công phu, nghiêm túc chuẩn bị có chất lượng Tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV với sự kế thừa, bổ sung, phát triển đúng đắn, phù hợp về cách làm và bài học kinh nghiệm có được từ các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ khóa XIII.
Trung ương yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban đảng Trung ương và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031 làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch.
Nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch.
Đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ.
Lấy quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt làm cơ sở cho công tác nhân sự
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sau đó mới đến quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Trong quá trình này, phải quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Kế hoạch số 17-KH/TW của Bộ Chính trị, xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng của Đảng được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu theo đúng quy định; bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.
Coi trọng chất lượng gắn với cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn kết với công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ và công tác chuẩn bị nhân sự nhiệm kỳ tới.
Lấy quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước làm cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng.