Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận những đóng góp to lớn của Ngành Tư pháp

(PLO) - Tới dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng ghi nhận và biểu dương những thành tựu mà ngành Tư pháp đã đạt được qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời nhấn mạnh những yêu cầu cấp thiết của Nhà nước và xã hội đặt ra đối với ngành Tư pháp trong giai đoạn hiện nay.
Tổng Bí thư nhận định: “Trong những năm gần đây, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn xuyên suốt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao cho ngành Tư pháp là giúp Đảng, Nhà nước trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành pháp luật, quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, quản lý nhà nước về thi hành pháp luật, thi hành án..., ngành Tư pháp đã có những đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế”. 
Những đóng góp của ngành Tư pháp đã được Tổng Bí thư  khái quát qua 3 thành tựu nổi bật: 
Một là, bám sát thực tiễn, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền công dân, quyền con người, ngành Tư pháp đã năng động, kịp thời phát hiện và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội ban hành những chính sách pháp lý quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật và giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn.
Hai là, coi trọng việc nghiên cứu lý luận, đồng thời tổng kết thực tiễn xây dựng và thi hành pháp luật, từ đó đề xuất những chính sách, giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế và các thiết chế thi hành pháp luật, đóng góp xứng đáng vào việc tạo dựng nền tảng ban đầu về tổ chức và hoạt động của các cơ quan chính quyền nhân dân nói chung, các cơ quan toà án, kiểm sát, thi hành án, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp nói riêng... Gần đây, với vai trò đại diện pháp lý cho Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế về đầu tư, thương mại, Bộ Tư pháp cũng đã bảo vệ thành công một số vụ kiện, đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia về mặt pháp lý trong quá trình đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ba là, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp cho đất nước là đóng góp mang tính chiến lược của ngành Tư pháp trong các giai đoạn lịch sử... Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, với sự tham mưu tích cực của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các Đề án xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm, xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo cán bộ tư pháp. 
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư  ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những đóng góp to lớn của ngành Tư pháp Việt Nam trong suốt 70 năm qua, trong đó có sự cố gắng và tiến bộ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý: Trong bối cảnh hiện nay, xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình an ninh chính trị, kinh tế thế giới và khu vực bên cạnh mặt thuận lợi, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Thế giới phải đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu như khủng bố quốc tế, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ; những vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh,… đe dọa trực tiếp đến hoà bình, ổn định của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ở trong nước, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường đang ngày càng đi vào chiều sâu.
Với tinh thần đó, Tổng Bí thư cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của Bộ, của ngành Tư pháp và yêu cầu toàn ngành Tư pháp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau: 
Thứ nhất, phải kiên định lập trường tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng ta trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN... Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN - một Nhà nước thực sự kiến tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm để mỗi người dân chủ động, tích cực sử dụng, thực hiện đúng đắn và an toàn các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong làm ăn, sinh sống, đóng góp mọi sức người, sức của, năng lực và trí tuệ xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Nhưng phải luôn nhớ là Nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang xây dựng là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của dân, do dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hệ thống pháp luật bảo đảm cho Nhà nước đó vận hành trôi chảy, vừa phải tiếp nhận, phát triển những giá trị đã được khẳng định của văn minh nhân loại, của truyền thống Việt Nam, vừa phù hợp với những yêu cầu riêng của đất nước ta trong giai đoạn phát triển mới. Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp có trách nhiệm quan trọng, phải đóng góp tích cực hơn nữa, nhiều hơn, chất lượng hơn nữa trong việc nghiên cứu, làm rõ và từng bước bổ sung, đổi mới cả về lý luận và thực tiễn hoàn thiện thể chế theo phương châm học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, nhưng phải biết sàng lọc, biết vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam. 
Thứ hai, tập trung sức lực, trí tuệ, tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện, sâu sắc về chất lượng, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của ngành Tư pháp, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ, của ngành Tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi của Cách mạng trong giai đoạn mới. Cụ thể là:
- Đối với công tác xây dựng pháp luật, tới đây, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị và triển khai Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 với nhiều điểm mới có tính đột phá được Quốc hội thông qua, Bộ Tư pháp cần phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội định hướng Chương trình lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV và tổ chức thực hiện cho tốt để đến năm 2020, về cơ bản nước ta có hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. 
- Cùng với việc làm tốt công tác xây dựng pháp luật, việc nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tôn trọng trật tự kỷ cương là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đã nhận thức rõ và đã chủ trương cần phải có sự chuyển hướng chiến lược từ trọng tâm là xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Để làm được điều này, trước hết phải nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức có ý thức chấp hành đúng pháp luật, đồng thời biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa ý thức gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, những người cần nêu gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy; khắc phục tập quán “phép vua thua lệ làng”, thói quen tùy tiện, bệnh quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân khi giải quyết công việc. 
- Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, nâng cao chất lượng công tác THADS, hành chính; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, qua đó góp phần đưa các lĩnh vực công tác tư pháp thực sự đến gần với người dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đây là những lĩnh vực rất quan trọng, chúng ta đã rất cố gắng nhưng thực hiện chưa nhiều, chưa đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu, đầu tư chưa tương xứng.  Tới đây, trên cơ sở tổng kết giai đoạn 2011-2015 công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị, các đồng chí cần nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất việc bổ sung, phát triển Nghị quyết này, nhất là những vấn đề liên quan đến việc phát triển các nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá viên, quản tài viên, thừa phát lại, giám định tư pháp, bảo đảm sự gắn kết giữa quản lý nhà nước với tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong các lĩnh vực này. 
Thứ ba, tăng cường chỉ đạo, thúc đẩy, kiện toàn các hệ thống tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy cơ quan tư pháp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, có các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác tư pháp. Vấn đề quan trọng là làm sao để có được đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch về phẩm chất đạo đức, vững vàng về chính trị, tư tưởng, tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là những người thường xuyên trực tiếp làm việc với nhân dân, với doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ tư pháp chúng ta đã có bước trưởng thành, đa số đáp ứng được yêu cầu công việc, nhưng nói chung là còn thiếu và yếu. Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập, mở rộng giao lưu quốc tế với bên ngoài thì đội ngũ của chúng ta hiện nay còn bất cập. Cần có thêm những chính sách đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo các nguyên tắc đã được Hiến pháp năm 2013 khẳng định. Để làm được điều này, cần chú trọng tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đặc biệt Bộ Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ với TANDTC từ việc đào tạo nguồn thẩm phán đến việc  tuyển chọn thẩm phán; chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đào tạo đội ngũ luật gia, luật sư giỏi, am hiểu pháp luật quốc tế, thành thạo ngoại ngữ, có thể hoạt động trên trường quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Đây là những yêu cầu cấp thiết của Nhà nước và xã hội đặt ra đối với ngành Tư pháp trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi các đồng chí phải kiên định và mạnh mẽ hơn nữa trong hành động”. 

Đọc thêm