Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xin vay 800 tỷ đồng để duy trì hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa kiến nghị xin vay gói cứu trợ 800 tỷ đồng lãi suất 0% để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo VNR, nếu dịch bệnh kéo dài qua năm 2022, doanh nghiệp sẽ mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương người lao động.
Theo VNR, nếu dịch bệnh kéo dài qua năm 2022, doanh nghiệp sẽ mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương người lao động.

Theo ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, VNR vừa kiến nghị Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Chính phủ cấp gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động đang bị hụt nhằm duy trì dòng tiền hoạt động, tránh nguy cơ dừng hoạt động của đơn vị và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm.

Ông Vũ Anh Minh cho biết, năm 2020, Tổng công ty lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, dự kiến năm 2021 lỗ thêm 942 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh kéo dài qua năm 2022, nguy cơ doanh nghiệp này mất hết vốn chủ sở hữu, không có đủ dòng tiền trả lương người lao động. Do đó, đơn vị kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ khẩn cấp bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động và đề nghị có chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm.

Dịch bệnh COVID-19 khiến VNR buộc phải cắt giảm chạy tàu khách trên tất cả các tuyến đường sắt khiến người lao động không có việc làm, các đơn vị vận tải đường sắt phải cho lao động nghỉ tạm hoãn Hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương, nghỉ luân phiên. Hiện, VNR có 1.169 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động và 136 người nghỉ không hưởng lương.

Bên cạnh đó, VNR cũng xin được giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm nay và các năm tiếp theo; miễn, giảm, giãn thời gian thu tiền thuê sử dụng đất cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt cho năm 2021.

Ngoài ra, VNR kiến nghị ưu tiên được tiêm phòng vaccine cho trên 6.000 lao động tuyến đầu vì có nguy cơ cao bị lây nhiễm.

Theo báo cáo của VNR, 5 tháng vừa qua, tổng doanh thu toàn ngành đạt 1.114 tỉ đồng, bằng 81% so với cùng kỳ 2020 và chỉ bằng 60% cùng kỳ 2019 khi chưa bùng dịch. Số hành khách lên tàu chỉ bằng 64% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 400,6 tỉ đồng, bằng một nửa cùng kỳ.

Đặc biệt trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đã khiến 11.383 vé đường sắt bị trả lại, với doanh thu xấp xỷ 4 tỷ đồng. Trong tháng 5/2021, tổng số đoàn tàu khách bãi bỏ là: 393 đoàn, trong đó số đoàn tàu Thống nhất là 38 đoàn, số đoàn tàu khách địa phương là 355 đoàn.

Cũng theo lãnh đạo VNR, chiến dịch vận tải Hè từ tháng 5 đến hết tháng 8 là thời điểm ngành đường sắt tổ chức chạy tàu khách với số lượng lớn nhất trong năm và đạt doanh thu cao để bù đắp cho các tháng thấp điểm còn lại.

“Tuy nhiên, năm nay dịch bùng phát trở lại sẽ làm mất đi phần lớn sản lượng vận tải hành khách Hè, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và việc làm. Theo dự báo, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có vaccine để tiêm phòng cho nhân dân thì việc sản lượng khách đi tàu suy giảm tiếp tục kéo dài đến hết năm” - lãnh đạo VNR nhấn mạnh.

Đọc thêm