Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu 6 tháng đầu năm

(PLVN) - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Trong đó, hoạt động tại Cảng Đà Nẵng tăng trưởng doanh thu dịch vụ ngoài bốc xếp, đồng thời thu hút được 1 service container. 

Báo cáo về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2023, Phó Tổng giám đốc VIMC Lê Quang Trung cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường hàng hải thế giới, chỉ số BDI (chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic) đạt mức trên 1200 điểm trong tháng 1/2023, giảm về 700 điểm trong tháng 2, tăng liên tiếp lên mức 1600 điểm trong tháng 3, 4 và 5/2023 và giảm về khoảng 1200 điểm trong tháng 6/2023.

Trong bối cảnh đó, sản lượng vận tải biển 6 tháng đầu năm 2023 của VIMC đạt 9,8 triệu tấn, sản lượng thông qua cảng 6 tháng đầu năm đạt 52,3 triệu tấn. Doanh thu hợp nhất toàn VIMC 6 tháng đầu năm đạt 8.703,5 tỷ đồng, trong đó, Công ty mẹ đạt 896,2 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của VIMC đạt 1.555,5 tỷ đồng, trong đó, Công ty mẹ đạt 141,7 tỷ đồng.

Về phát triển thị trường và hợp tác quốc tế, VIMC đã thu hút 7 service container: 3 tại Cảng Hải Phòng, 1 tại Cảng Đà Nẵng, 1 tại Cảng Sài Gòn, 1 tại Cảng VIMC Đình Vũ, và 1 tại Cảng Nghệ Tĩnh.

VIMC đã phát triển các tuyến container: tuyến Port Klang (Malaysia) – Kolkata (Ấn Độ), tuyến nội địa Ấn Độ Kolkata – Chennail/Kattupalli – Kolkata. Tổng công ty đã xây dựng dịch vụ chuỗi trọn gói cho khách hàng tại Trung tâm container – Cảng Cần Thơ, Cảng Hải Phòng, Cảng Cam Ranh và Cảng Cần Thơ; đồng thời, phát triển và tăng trưởng doanh thu dịch vụ ngoài bốc xếp tại Cảng Đà Nẵng, Cảng Nghệ Tĩnh và Cảng Cam Ranh.

Bên cạnh đó, VIMC cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có nhiều sáng kiến tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, như: tham gia họp thường niên Hiệp hội chủ tàu lần thứ 32 tại Trung Quốc với sáng kiến “Vận tải xanh, chính sách thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuyền viên”; kết nối với các trung tâm phân phối sắt thép, ô tô, hàng nông sản tại Trung Quốc; tham gia Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải APEC lần thứ 11 và chuỗi các sự kiện bên lề; tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan: Sáng kiến về chuyển đổi số đối với vận tải thủy nội địa; tổ chức Tọa đàm “Hàng hải Việt Nam phát triển xanh và bền vững” tại VIMC với sự tham gia của Tổng Thư ký của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO).

Thông tin tại Hội nghị, Tổng giám đốc VIMC – Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết: Trong công tác ứng dụng công cụ quản trị hiện đại, Tổng công ty đã tiến hành triển khai Chương trình quản trị hệ thống nhân tài, qua đó, sàng lọc được 55 đối tượng nhân tài. Trong công tác quản lý chi phí, SOP (Quy trình vận hành chuẩn), Kaizen (Cải tiến vì tập thể), VIMC đã triển khai 29 chương trình quản lý chi phí hiệu quả, tiết giảm được 58,3 tỷ đồng. Tổng công ty đã xây dựng được các SOP: tiếp thị; xây dựng phân giao theo dõi và đánh giá kế hoạch năm; giám sát tài chính; xếp dỡ container, sắt thép, dăm gỗ; hỗ trợ người sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin.

Ngoài ra, VIMC đã ghi nhận 790 sáng kiến Kaizen, bao gồm 209 sáng tạo, đóng góp vào tổng số 1050 Kaizen từ khi Tổng công ty phát động vào quý 4/2022; với giá trị làm lợi đạt 115,2 tỷ đồng; tiết giảm 10 thủ tục và chứng từ giấy (chuyển sang điện tử).

Ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC cho biết, trong thời gian tới, Tổng công ty cùng các doanh nghiệp thành viên sẽ có kế hoạch và giải pháp quyết liệt để khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế, có giải pháp cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023.

Theo đó, VIMC sẽ đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, khách hàng, lan tỏa mạnh mẽ văn hóa “Lấy khách hàng làm trung tâm”, tận dụng tối đa cơ hội thị trường để nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh phát triển dịch vụ chuỗi trên nền tảng hệ sinh thái “Cảng biển – Vận tải biển – Dịch vụ hàng hải”. VIMC sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản trị và điều hành sản xuất kinh doanh, xây dựng bộ máy quản trị nội bộ và kiểm soát chuyên nghiệp theo hướng “Lấy con người làm trung tâm”.

Đọc thêm