Tổng cục Hải quan: Chú trọng thực hiện Nghị định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí huỷ diệt hàng loạt

(PLVN) - Thời gian tới, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần tiếp tục tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị chuyên trách về phòng, chống hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan.
Hải quan Việt Nam tiếp nhận Hệ thống phát hiện phóng xạ lắp đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất trong khuôn khổ Dự án an ninh hợp tác với Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA). (Ảnh: Hồng Nụ)

Đã triển khai được nhiều chương trình, sáng kiến

Theo đánh giá của Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Hải quan), Nghị định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PBVKHDHL) được ban hành trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động về an ninh, chính trị và dịch COVID-19 tác động. Để phục hồi kinh tế và giảm thiểu tổn thương, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi thương mại thu hút đầu tư, giảm thời gian thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa nhập khẩu. Chính điều này tạo ra thách thức lớn trong việc cân bằng giữa tạo thuận lợi thương mại và kiểm soát an ninh tại các cửa khẩu cho cơ quan Hải quan.

Song song với công tác phòng, chống tội phạm ở lĩnh vực này, cơ quan Hải quan đã nghiêm túc triển khai các hoạt động về chống tài trợ PBVKHDHL. Cơ quan Hải quan xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại nói chung và công tác phòng, chống PBVKHDHL nói riêng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Trong đó, chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc chủ động xây dựng phương án, bố trí nguồn lực phù hợp thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình, sáng kiến nhằm ngăn chặn, phát hiện các hoạt động vận chuyển bất hợp pháp các nguyên liệu, vật liệu phóng xạ hạt nhân, hàng hóa có rủi ro cao có thể là đầu vào cho việc sản xuất và sử dụng VKHDHL như: Chương trình kiểm soát xuất khẩu hợp tác với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Chương trình EXBS), Chương trình lắp đặt các hệ thống phát hiện phóng xạ, hạt nhân tại các cảng biển, sân bay quốc tế thông qua Sáng kiến Megaports với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)...

Đến nay, Hải quan Việt Nam đang vận hành 4 hệ thống phát hiện phóng xạ tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cảng Cái Mép và cảng Cát Lái để phát hiện việc vận chuyển các nguồn phóng xạ, hạt nhân.

Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Danh mục hàng hóa rủi ro về vũ khí, chất phóng xạ; biên soạn, ban hành khung chương trình và giáo trình đào tạo về nhận diện hàng hóa lưỡng dụng để tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ, công chức tuyến đầu. Đáng chú ý, Hải quan Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để tổ chức các khóa đào tạo trong và ngoài nước nâng cao nhận thức và năng lực kiểm soát tại các cửa khẩu như khám phương tiện, khám container, khám tàu, nhận diện hàng hóa lưỡng dụng, phát hiện vật liệu phóng xạ, hạt nhân ngoài kiểm soát, kinh nghiệm của các nước trong việc vận hành các hệ thống phát hiện phóng xạ, kiểm soát các mặt hàng rủi ro cao tới an ninh…

Ngoài ra, nhằm chú trọng vào việc nâng cao nhận thức và vai trò của lãnh đạo trong công tác phòng, chống PBVKHDHL, tháng 8/2024, Hải quan Việt Nam đã phối hợp với Chương trình EXBS tổ chức đối thoại cấp cao để trao đổi về vai trò và thách thức của cơ quan Hải quan trong hệ thống kiểm soát thương mại chiến lược.

Tập trung đào tạo kỹ năng cần thiết cho cán bộ

Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế đánh giá, Hải quan Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để tranh thủ nguồn lực quốc tế trong việc xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức về chống PBVKHDHL cho các cấp, từ lãnh đạo đến cán bộ thực thi. Trong đó, một trong những nhiệm vụ cốt lõi đối với việc phòng, chống PBVKHDHL là kiểm soát vật liệu liên quan đến VKHDHL. Tuy nhiên, các vật liệu này do các Bộ quản lý chuyên ngành chưa ban hành danh mục kèm theo mã số HS nên công tác thực thi của cơ quan Hải quan gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, lực lượng kiểm soát tại các tuyến biên giới còn mỏng, chưa có cán bộ chuyên trách về phòng, chống PBVKHDHL; chưa có đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin với các lực lượng chức năng thuộc Bộ, ngành khác tại địa phương gây khó khăn, chậm trễ trong điều tra, đấu tranh bắt giữ khi phát hiện vụ việc vi phạm; gặp nhiều khó khăn trong đấu tranh và kiểm soát với các đối tượng, đường dây, nhóm tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chất độc, phóng xạ, sinh học, các tiền chất dùng để nghiên cứu, chế tạo sản xuất VKHDHL trên tuyến biên giới và không gian mạng, dịch vụ bưu chính.

Thời gian tới, để góp phần nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác đấu tranh hoạt động PBVKHDHL, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần thiết lập đầu mối trao đổi, cung cấp thông tin của các Bộ, ngành liên quan khi có nghi vấn vi phạm về buôn bán, PBVKHDHL. Tiếp tục tổ chức hoặc phối hợp với các đơn vị chuyên trách về phòng, chống hoạt động PBVKHDHL của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan đào tạo kỹ năng nhận biết, phát hiện, thu thập thông tin tình báo, kỹ năng điều tra, bắt giữ tội phạm... cho các cán bộ, công chức thực hiện công tác kiểm soát xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đọc thêm